12/07/2021 - 11:39

Chủ động thu hoạch lúa hè thu, kịp thời xuống giống vụ thu đông 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu năm 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh, thành ở Nam bộ. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trồng trọt, đã thu hoạch 400.000ha lúa hè thu tại ÐBSCL, tương đương gần 30% diện tích xuống giống, khả năng sẽ thu hoạch một vụ lúa hè thu trọn vẹn như ước tính. Dù diện tích sản xuất lúa hè thu của vùng giảm 9.000ha so cùng kỳ nhưng ước sản lượng sẽ tăng 123.000 tấn do năng suất lúa tại nhiều địa phương tăng. Với diện tích xuống giống đạt 1,515 triệu héc-ta, dự kiến sản lượng lúa vụ hè thu 2021 tại ÐBSCL đạt 8,584 triệu tấn và năng suất lúa ước đạt bình quân 5,66 tấn/ha.

Thu hoạch lúa vụ hè thu 2021 tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Thu hoạch 30% diện tích lúa hè thu

Dù giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất trong vụ hè thu có tăng, làm tăng giá thành sản xuất nhưng nhìn chung nhiều nông dân vẫn có lợi nhuận nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm. Ðặc biệt, nông dân đã tăng cường sản xuất các loại lúa thơm đặc sản và lúa chất lượng cao để bán được giá cao. Tại nhiều địa phương, diện tích gieo trồng các giống lúa chất lượng cao đạt từ 80-90% trở lên. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Vụ hè thu này tỉnh gieo sạ được hơn 281.000ha, trong đó các giống lúa chất lượng cao chiếm hơn 89% và hiện tỉnh đã thu hoạch được hơn 69.600ha, năng suất đạt 5,76 tấn/ha. Toàn tỉnh cũng đã giống xuống được hơn 32.000ha lúa thu đông và có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa thu đông thêm 10.000ha lên mức 88.000ha, phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt 4,5 triệu tấn”.

Vụ hè thu 2021, TP Cần Thơ gieo trồng được 75.194ha lúa, trong đó các giống lúa thơm và chất lượng cao cũng chiếm hơn 89%. Ðến nay, Cần Thơ đã cơ bản thu hoạch dứt điểm lúa hè thu và đã xuống giống được hơn 50.000ha lúa thu đông. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: “Năng suất lúa hè thu tại thành phố đạt 5,6 tấn/ha, giá thành sản xuất lúa là 3.200 đồng/kg, nhiều nông dân bán lúa được giá 5.800-6.000 đồng/kg nên lợi nhuận của bà con đạt từ 45% trở lên. TP Cần Thơ cũng đã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa thu đông với nhiều giải pháp nhằm chăm sóc, bảo vệ các trà lúa để đạt năng suất cao, phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt hơn 1,38 triệu tấn”.

Năm nay, diện tích sản xuất lúa thu đông tại ÐBSCL dự kiến đạt 700.000ha. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, năm nay lũ tại ÐBSCL ít có khả năng đến sớm và mực nước đỉnh lũ cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông. Tuy nhiên, các địa phương ÐBSCL cũng phải hết sức cảnh giác với khả năng lúa có thể bị ngập úng do mưa và do triều cường, nhất là tại các địa phương gần biển. Ngoài ra, sản xuất lúa thu đông cũng bị tác động tiêu cực của giá các loại phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng, cùng với đó là tình hình thời tiết và nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Sản xuất an toàn, hiệu quả lúa thu đông

Ông Ðỗ Ðức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, cho rằng: “Do ảnh hưởng của triều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) nên các địa phương cần chủ động đảm bảo sản xuất. Ngoài ra, cần chú ý đảm bảo sản xuất lúa ăn chắc trong vùng có đê bao. Năm nay, dự báo khả năng có thể xuất hiện mưa nhiều vào nửa cuối mùa lũ và lượng mưa cao hơn TBNN, đặc biệt là thời gian vào cuối tháng 10 và tháng 11”.

Theo ông Nguyễn Kiệt, Trưởng Phòng Dự báo Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ các dự báo lũ năm 2021 và so sánh với cao trình ô bao ngăn lũ, cho thấy cơ bản đều đảm bảo sản xuất lúa trên vùng ngập lũ ÐBSCL. Tuy nhiên, với dự báo triều cường ở mức cao hơn TBNN khá lớn nên khả năng ảnh hưởng đến các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ÐBSCL là không tránh khỏi. Do vậy, các địa phương cần hết sức chú ý. Các khu vực ngoài đê bao hoặc chưa có đê bao cần xuống giống lúa hè thu sớm nhằm thu hoạch trước 15-8. Rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời. Những khu vực ngoài ô bao hoặc ô bao xung yếu cần chủ động gieo sạ lúa sớm để tránh lũ. Chỉ nên xuống giống vụ thu đông ở các vùng có ô bao triệt để, không xuống giống ở các khu vực có ô bao không đảm bảo. Thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo khí tượng thủy văn để kịp thời cập nhật cho người dân nắm và có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, lúa hè thu 2021 tại các tỉnh, thành Nam Bộ mới thu hoạch được 30%, còn rất nhiều lúa ngoài đồng. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, đặc biệt theo dõi vấn đề sâu bệnh cuối vụ để đảm bảo trọn vẹn thắng lợi vụ lúa hè thu. Quan điểm chỉ đạo là lúa chín đến đâu, tập trung thu hoạch nhanh gọn tới đó, “xanh nhà hơn già đồng” để tránh rủi ro, cũng tạo điều kiện để giải phóng đất, tiếp tục triển khai vụ lúa tiếp theo.

Về sản xuất lúa thu đông, Thứ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp các địa phương rà soát, xác định cụ thể quy mô, diện tích sản xuất lúa thu đông 2021 tại từng địa phương căn cứ trên quy mô sản xuất chung toàn vùng ÐBSCL dự kiến quanh mức khoảng 700.000ha. Về thời vụ, hiện Cục Trồng trọt đã có khuyến cáo cụ thể đối với từng tiểu vùng, các địa phương căn cứ vào đó để xuống giống làm sao cho an toàn, hiệu quả và đảm bảo thời gian cho sản xuất vụ đông xuân năm tới. Toàn vùng cần cố gắng xuống giống lúa thu đông trước 20-8 và chậm nhất là tới 25-8-2021. Về cơ cấu giống, cần ưu tiên nhóm giống lúa thơm và đặc sản ở mức khoảng 30%, tập trung cho nhóm lúa chất lượng chủ lực xuất khẩu ở mức dao động từ 55-60%, hạn chế nhóm giống lúa nếp và lúa thường, chất lượng trung bình. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng động bộ các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết