23/02/2024 - 08:54

Chủ động thay đổi để vượt thách thức 

Trong bối cảnh cạnh tranh và biến đổi khí hậu ngày càng khó lường thì khó khăn, thách thức đối với ngành tôm là điều không thể tránh khỏi. Do đó, những dự báo về khó khăn từ năm 2023 sẽ còn kéo dài đến hết quý II-2024 đã được cộng đồng ngành tôm dự đoán từ sớm, từ xa và chủ động, linh hoạt tìm kiếm đối sách thích ứng phù hợp, để có thể cùng nhau về đích thành công trong năm 2024.

Nhiều thách thức ở vụ tôm mới

Trong khi một số dịch bệnh nguy hiểm như EMS, EHP, đốm trắng… vẫn chưa được kiểm soát tốt, chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, thì từ cuối năm 2023, ngành tôm lại đón nhận thêm một dịch bệnh mới trên tôm giống với tên gọi TPD “hậu ấu trùng trong suốt”. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, bệnh TPD có khả năng gây chết tôm giống hàng loạt chỉ sau 24 giờ kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cũng trấn an rằng, sẽ không xảy ra tình thiếu hụt nguồn tôm giống sạch bệnh khi vụ tôm bước vào thả nuôi rộ. Không chỉ có dịch bệnh mà hiện tượng El-Nino được báo sẽ gay gắt và kéo dài đến hết quý II-2024 cùng số cơn bão xuất hiện trên Biển Đông trong những tháng cuối năm 2024 nhiều hơn sẽ là thách thức không nhỏ cho khâu nuôi, một mắt xích rất quan trọng nhưng cũng rất yếu trong chuỗi giá trị ngành tôm. Đó còn là thách thức về nguồn vốn đầu tư cho vụ mới do các đại lý đã thu hẹp phạm vi đầu tư do khó thu hồi vốn vì giá tôm xuống thấp trong vụ nuôi năm 2023.

Nhờ thay đổi sang mô hình đáy lưới, bạt bờ 2 năm nay anh Đỗ Minh Kha (bên phải) ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng luôn có được vụ mùa thành công kể cả lúc giá tôm xuống thấp như ở năm 2023.

Nếu như khó khăn thách thức ở khâu nuôi chủ yếu đến từ nội tại thì những biến động khách quan trên thị trường thế giới lại mang đến thêm nhiều khó khăn cho chế biến, xuất khẩu. Cuối năm 2023, lạm phát ở các nước lớn tuy đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng tiến trình phục hồi dự báo sẽ chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Do đó, tình trạng dư cung có thể tiếp diễn do hàng tồn kho và các nước Nam bán cầu khiến vào vụ thu hoạch mới, nên chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024, con tôm Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó trong cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung. Chia sẻ thêm về những thách thức trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên, các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, mà đáng lo nhất là vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ, trong đó có con tôm. Và cũng không thể không nhắc tới sức khỏe doanh nghiệp ngành tôm sau một năm vượt khó ít nhiều đã bị giảm sút”.

Những thay đổi làm giảm giá thành

Vụ tôm 2023 thật sự là quá khó với cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhưng qua đó cũng thấy những điểm sáng đáng để hy vọng, khi có sự xuất hiện của các mô hình, quy trình nuôi được cải tiến theo hướng tỷ lệ thành công cao hơn và giá thành thấp hơn. Đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) có tỷ lệ thành công trong vụ thuận trên 90%, cao nhất đến 98%. Là mô hình MPBio 124 Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, khi nuôi tôm về kích cỡ 30 con/kg có giá thành chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, tức tương đương với giá thành của Ecuador.

Đó còn là mô hình đáy lưới, bạt bờ có chi phí đầu tư chỉ bằng 20-30% ao lót bạt đáy của anh Đỗ Minh Kha ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nuôi tôm đạt cỡ 22-23 con/kg giá thành chỉ vào khoảng 85.000 đồng/kg. Cũng mô hình đáy lưới, bạt bờ, ông Lê Ngọc Ân ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chẳng những chinh phục được vùng đất phèn, nguồn nước cấp khó khăn, mà còn nuôi tôm về cỡ 30 con/kg với giá thành chỉ 100.000 đồng/kg. Sự hồi sinh của mô hình đáy lưới, bạt bờ trong vài năm trở lại đây là một tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm và cũng khẳng định rằng, chúng ta không thiếu mô hình nuôi hiệu quả, giá thành thấp. Do đó, vấn đề là người nuôi cần có sự vận dụng hợp lý vào khu nuôi của mình trong phạm vi khả năng tài chính và kỹ thuật cho phép vì không có một mô hình nào hoàn thiện cho tất cả.

Sẵn sàng đối sách vượt khó

Những khó khăn, thách thức của năm 2024 đã được nhìn nhận, nên hầu hết các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trên nền tảng thế mạnh của mình và tận dụng mọi cơ hội khách quan mang đến. Ông Lực chia sẻ: “Chúng tôi luôn quan tâm liên lạc các khách hàng lớn, tìm hiểu tình hình tiêu thụ và xu thế người tiêu dùng, nhất là việc tiêu thụ dịp Noel và Tết dương lịch, bởi kết quả này tác động lớn tới kế hoạch quý đầu tiên năm sau. Chúng tôi cũng quan tâm tình hình các xung đột để đánh giá tình hình lạm phát, suy thoái các thị trường lớn diễn biến ra sao mà có sách lược phối hợp các khách hàng lớn của mình. Đồng thời, chúng tôi quan tâm tu bổ toàn bộ nhà xưởng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro, giữ tốt uy tín sản phẩm mình làm ra”.

Việc thích ứng với khó khăn đến từ khách quan hay chủ quan ngày càng trở nên thường xuyên hơn đối với các bên trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm và thực tế cũng đã cho thấy, thời gian qua, ngành tôm đã có sự thay đổi đáng kể để thích ứng với những khó khăn, thách thức ngày càng đa dạng hơn. Trong các cuộc hội thảo, hội nghị gần đây, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng liên tục cảnh báo về những khó khăn của ngành tôm trong vụ nuôi năm 2024 và đề nghị các địa phương cần làm ngay công tác tổ chức lại sản xuất để hạn chế tình trạng nhỏ lẻ nhằm tăng kết nối hơn giữa người nuôi với các nhà cung cấp giống, thức ăn, hoặc chuyển giao kỹ thuật, chế biến xuất khẩu… để làm sao đảm bảo người nuôi tiếp cận tốt hơn với các nguồn cung cấp đầu vào, khoa học công nghệ và thông tin thị trường.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết