03/12/2018 - 21:57

Chủ động tầm soát bệnh, tật bẩm sinh 

Thời gian qua, ngành dân số nói chung, Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ nói riêng, đã có nhiều nỗ lực trong công tác nâng cao ý thức cộng đồng bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, giúp người dân chủ động tiếp cận các dịch vụ tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh, cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Lợi ích của chương trình tầm soát

Trong căn nhà cấp bốn khang trang xinh xắn ở khu vực 15, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu và anh Quách Trọng Quân rộn tiếng cười khi cùng chăm lo cho đứa con gái thứ hai vừa ra đầy tháng. Chị Thu bộc bạch, sau 6 năm sinh con đầu lòng, giờ thêm thành viên mới khỏe mạnh chào đời, là “món quà” tuyệt vời mà tạo hóa ban cho anh chị.


Kỹ thuật viên Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh chuẩn bị mẫu trước khi đưa lên máy xét nghiệm. Ảnh: THU SƯƠNG

Chị Thu kể, mang thai con khi đã ngoài 40 tuổi, chị lo lắm. Trước đó, chị Bảy, cộng tác viên dân số khu vực cũng thường xuyên lui tới, chia sẻ các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, có lần nói về tiến bộ của y học hiện đại trong việc tầm soát bệnh, tật bẩm sinh giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời cho em bé mới chào đời. Bên cạnh đó, bản thân chị Thu tìm hiểu thêm sách, báo, các thông tin từ Internet để hiểu thêm các nguy cơ có thể gặp phải trong thai kỳ. Đồng thời, hàng tháng khám thai định kỳ tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, chị Thu nhận được sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ y tế về các xét nghiệm tầm soát cần thiết theo từng giai đoạn. Một số kết quả ban đầu có chỉ số cho thấy con chị nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán tiếp theo để can thiệp điều trị kịp thời. Nhờ sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ, chị Thu yên tâm hơn trong suốt thai kỳ, sức khỏe ổn định, cuối cùng, hạ sinh được em bé khỏe mạnh.

Cô Lê Thị Giỏi (thường được bà con khu vực thương mến gọi là cô Tám, chị Tám), cộng tác viên dân số phường Châu Văn Liêm, có kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với công tác dân số, chia sẻ, những cặp vợ chồng như Thu - Quân vừa giúp cô tuyên truyền, vừa tạo sự tin cậy cho hàng xóm, láng giềng của họ về lợi ích của chương trình tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh.

Bác sĩ CKI Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) quận Ô Môn cho biết, hàng năm, bên cạnh việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh, ngành dân số quận chú trọng các giải pháp tuyên truyền đa dạng, nhất là phát huy chức năng hệ thống đài truyền thanh phường với tần suất phát thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên được tập huấn định kỳ, nâng cao nhiều kỹ năng cần thiết trong việc tuyên truyền về lợi ích của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thành phố cũng thực hiện rất hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhờ nhiều chương trình tuyên truyền đa dạng, thiết thực của Phòng Công tác xã hội BV Phụ sản TP Cần Thơ. Nhóm truyền thông kết nối với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, chủ động gởi các tin, bài về các hoạt động liên quan đến chương trình tầm soát các tật, bệnh bẩm sinh. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kiên trì tư vấn các dịch vụ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của từng đối tượng.

Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tầm soát ngày càng tăng

10 năm trước, việc tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh hoàn toàn xa lạ với người dân ĐBSCL. Theo thống kê của BV Phụ sản TP Cần Thơ, giai đoạn từ năm 2010 - 2013, tỷ lệ tầm soát trước sinh và sơ sinh chưa đạt 25% tổng số thai phụ khám thai. Thế nhưng đến giai đoạn 2014 - 2017, tỷ lệ này nâng lên trên 65% tổng số thai phụ khám thai định kỳ và gần 80% tự chi trả dịch vụ sàng lọc các bệnh bẩm sinh cho trẻ mới chào đời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố cho biết, từ năm 2011, thành phố triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bước đầu với các hoạt động tuyên truyền, phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số để giới thiệu đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích của việc tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh. Qua đó, giúp người dân quen với việc tiếp cận các dịch vụ đem lại lợi ích cho trẻ.

Đến năm 2013, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Việt Nam quyết định chọn BV Phụ sản TP Cần Thơ để thành lập Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, đồng thời, triển khai thực hiện Đề án sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho 12 tỉnh ĐBSCL. Trung tâm ra đời trên cơ sở theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ từ 1,5% - 2% trong tổng trẻ sinh. Nếu tính theo tỷ lệ đó, mỗi năm vùng ĐBSCL có khoảng từ 7.000 đến 8.000 trẻ sinh ra đời có nguy cơ bị dị tật. Do đó, việc sàng lọc, tầm soát các dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là rất cần thiết.

Qua 5 năm hoạt động, Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thống kê 9 tháng đầu năm 2018, có gần 20.000 lượt siêu âm tầm soát bệnh, tật trước sinh, phát hiện gần 300 trường hợp nguy cơ cao; cũng trong khoảng thời gian này, có gần 32.000 trường hợp thai phụ tham gia sàng lọc trước sinh bằng xét nghiệm, phát hiện gần 1.200 trường hợp nguy cơ cao, chẩn đoán bệnh 19 trường hợp. Về chương trình sàng lọc sơ sinh 12 tỉnh ĐBSCL, tổng thực hiện 9 tháng năm 2018 có gần 56.000 trẻ được tầm soát các bệnh lý bẩm sinh thường gặp, phát hiện gần 800 trường hợp nguy cơ cao, chẩn đoán bệnh được gần 300 trường hợp.

Những số liệu trên cho thấy tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: “Chương trình này được thực hiện phổ biến, rộng rãi đến cộng đồng, với chi phí tương đối hợp lý, nên đa số người dân chủ động tự chi trả chi phí để thực hiện đầy đủ các dịch vụ tầm soát theo tư vấn của cán bộ y tế chuyên khoa. Trong chính sách phối hợp với mạng lưới y tế cơ sở, chúng tôi trích một phần chi phí hỗ trợ y tế cơ sở nhằm động viên đội ngũ cộng tác viên tích cực tham gia chương trình. Bên cạnh đó, hàng năm đều tổ chức khen thưởng, tuyên dương các tập thể và cá nhân làm tốt”.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Vụ Phó Vụ Truyền thông, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Việt Nam cho biết, Cần Thơ là một trong 5 đơn vị của cả nước có trung tâm tầm soát và phụ trách quản lý 12 tỉnh ĐBSCL, đi đầu trong việc thực hiện xã hội hóa chương trình tầm soát các bệnh, tật bẩm sinh.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết