Liên tục các tháng gần đây, những đợt thiên tai như: Mưa lớn kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông… xuất hiện và để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Mùa mưa, bão, triều cường, ngập lụt năm 2017 đang vào thời kỳ cao điểm, công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai là giải pháp mà Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ đang cần các ngành, các cấp, bà con nhân dân tập trung thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra.
Thiệt hại nặng nề
Đợt lốc xoáy vừa qua (ngày 17-7-2017) với cường độ mạnh quét qua địa bàn huyện Cờ Đỏ đã làm 6 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo. Những hộ gia đình bị ảnh hưởng phải rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trong việc đầu tư xây dựng lại nhà mới. Nhiều người dân có nhà bị sập, tốc mái trong cơn lốc xoáy cho biết: gia đình không có ruộng vườn, căn nhà là nơi trú mưa, trú nắng.
Đợt mưa, gió lớn vừa qua, nhà bị sập, tốc mái, làm tài sản trong nhà cũng bị hư hỏng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng huyện Cờ Đỏ, bà con mới có khả năng dựng lại nhà cửa, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (đứng giữa, hàng đầu) đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ bà con tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh khắc phục lốc xoáy, xây dựng nhà mới.
Tại quận Cái Răng, cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy vào giữa tháng 7-2017 cũng làm sập và tốc mái 24 căn nhà tại phường Thường Thạnh và Tân Phú. Trong đó có nhiều căn nhà bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại trên 120 triệu đồng.
Sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Cái Răng và các phường: Thường Thạnh, Tân Phú đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai sửa chữa lại nhà cửa. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận cũng huy động lực lượng tham gia cứu hộ, hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa. Chính quyền địa phương cũng vận động các nhà hảo tâm, hộ dân có điều kiện hỗ trợ chi phí cho bà con xây dựng nhà mới, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều đợt lốc xoáy, làm sập 12 căn nhà, tốc mái 79 căn; xuất hiện 28 điểm sạt lở bờ sông tại quận Cái Răng, Ô Môn, Bình Thủy, Thốt Nốt…
Ước tổng thiệt hại trên 3,85 tỉ đồng. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo: mùa lũ 2017, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 2, báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu: 4,0m đến 4,5m; sông Hậu tại Châu Đốc: 3,5m đến 4,0m), tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng nửa đầu tháng 10-2017. Thời điểm này, tại TP Cần Thơ cũng như các địa phương hạ nguồn sông Cửu Long sẽ bị ngập sâu do nước lũ đổ về kết hợp với triều cường lên cao, làm ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.
Ông Bùi Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Những tháng cuối năm 2017, tình trạng mưa lớn, lốc xoáy, triều cường... tiếp tục xuất hiện, nhất là vào các tháng 9, 10, 11-2017. Do đó, công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là giải pháp hữu hiệu mà Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ rất cần người dân thực hiện, tránh chủ quan, lơ là với mưa, bão, triều cường, ngập lụt...”.
Tập trung phòng tránh
Trước những thiệt hại do thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương kịp thời huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Qua đó, tổng số tiền hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn TP Cần Thơ gần 100 triệu đồng, trong đó quỹ phòng chống thiên tai thành phố hỗ trợ 63 triệu đồng; các quận, huyện hỗ trợ 32,5 triệu đồng...
Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, dông gió, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt... gây ra trong những tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó mưa, lũ và các đợt triều cường dâng cao trên sông Hậu đến các phường, xã, thị trấn; theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các công trình thủy lợi trước khi lũ chính vụ đến; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư, khu vực sản xuất, các cồn trên sông Hậu.
Đồng thời, lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng trũng, thấp; tuyên truyền, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc; tổ chức đưa rước học sinh tại các vùng ngập sâu; triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các điểm xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông cũng như tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão, ngập lụt để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, mưa, bão và ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, nhấn mạnh: “Ban Chỉ huy các cấp, các sở ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các ngành và địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong những tháng cuối năm 2017”.
HÀ VĂN