13/07/2022 - 09:37

Chủ động phòng biến thể mới của COVID-19 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã xâm nhập Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm hơn các biến thể cũ hiện đang tồn tại. Việc chủ động phòng biến thể mới trở nên cấp thiết hơn.

Số ca mắc COVID-19 có thể tăng do BA.5

Tiêm mũi 3 phòng COVID-19 cho học sinh tại CDC Cần Thơ.

Tiêm mũi 3 phòng COVID-19 cho học sinh tại CDC Cần Thơ.

Số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi, khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và được dự báo sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5. Những người từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm với biến thể BA.5. Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, biến chủng mới BA.5 xâm nhập là điều khó tránh, vì cả nước đang thực hiện chính sách thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 và mở cửa, giao thương kinh tế. Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch của cộng đồng (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.

Các chuyên gia cho rằng, khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Vì vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.  

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ, việc tiêm các mũi nhắc lại rất cần thiết bởi vì các mũi tiêm cơ bản sẽ bị suy giảm hiệu quả trong vòng 6 tháng và khi biến thể mới xuất hiện. Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc hoặc tình trạng bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới có thể liên tục xuất hiện trong tương lai. Các nghiên cứu trên thế giới cũng chứng minh, hiệu quả bảo vệ của mũi 4 làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 (trên 52%), nếu mắc sẽ không có triệu chứng (61%), giảm nguy cơ nhập viện (72%), nếu có triệu chứng nặng thì sẽ giảm nguy cơ tử vong (76%)…

Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp hàng đầu để phòng, chống dịch. Người dân cần tiêm đúng, tiêm đủ liều theo khuyến cáo; đặc biệt là với những người cao tuổi hay người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, các lực lượng tuyến đầu: y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp…

Cùng với vaccine, mọi người nên tiếp tục duy trì nâng cao sức khỏe của bản thân bằng việc ăn uống, sinh hoạt điều độ, khoa học, vận động hợp lý, đeo khẩu trang ở những nơi có tập trung đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh không gian sống.

Hiểu đúng về hạn sử dụng trên nhãn và hạn rã đông vaccine

Vaccine Pfizer là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào ngày 31-12-2020. Theo thông báo ngày 2-12-2021 của Bộ Y tế, đối với vaccine Pfizer, sau khi phê duyệt khẩn cấp, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học. Nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau. Kết quả cho thấy, vaccine đã có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn sử dụng là 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất khi được bảo quản ở nhiệt độ từ âm 900C đến âm 600C.

Theo Công văn số 10747/BYT-QLD ngày 17-12-2021 của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng hạn dùng của vaccine Pfizer, được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn cũng được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Việt Nam không tự gia hạn sử dụng của vaccine mà thực hiện theo thông lệ của quốc tế. Tất cả các lô vaccine trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn sử dụng vaccine không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine.

Theo CDC Cần Thơ, cần lưu ý phân biệt giữa hạn sử dụng trên nhãn lọ vaccine và hạn rã đông. Với hạn sử dụng ghi trên nhãn lọ vaccine, vaccine Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu từ âm 900C đến âm 600C, vaccine Moderna cần được bảo quản đông lạnh trong khoảng từ âm 500C đến âm 150C. Tuy nhiên tại tuyến y tế cơ sở do không có đủ điều kiện bảo quản vaccine ở độ âm sâu nên khi vaccine được rã đông (tại các Viện tuyến Trung ương) chỉ bảo quản để sử dụng trong điều kiện nhiệt độ 20C đến 80C trong vòng tối đa 30 ngày. Riêng đối với vaccine Pfizer sử dụng cho trẻ em mới đây có thể sử dụng trong điều kiện nhiệt độ 20C đến 80C trong vòng tối đa 10 tuần.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết