23/08/2016 - 08:40

Chủ động liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường ĐBSCL

Chuẩn bị vào niên vụ mía đường 2016-2017, các nhà máy đường khu vực ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức. Vùng nguyên liệu mía có phần sụt giảm, toàn vùng còn khoảng 42.250ha, do giá thành sản xuất cao, thu nhập nông dân trồng mía chưa cao... Trước tình hình này, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã chủ động thực hiện giải pháp liên kết sản xất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho nông dân và hiệu quả kinh doanh.

Năng suất, chữ đường cao nhưng…

Vào những năm 1995-1996, thực hiện chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, các công ty, nhà máy đường ở ĐBSCL lần lượt đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu cây mía gần như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các giống mía cũ, năng suất thấp khoảng 50-60 tấn/ha và đạt bình quân 8 chữ đường (CCS). Đến những năm 2005-2006, sau khi thực hiện cổ phần hóa, các công ty mía đường bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới. Trong đó có một số nhà máy chú trọng đầu tư như đổi mới giống mía và ứng dụng kỹ thuật canh tác tốt hơn để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía. Nhiều giống mía chín sớm, chịu ngập được đưa vào sản xuất. Nông dân chuyển đổi trồng một số giống mía mới chất lượng cao, năng suất đạt trên 100 tấn/ha, chữ đường đạt trên 11 CCS nên lợi nhuận tăng cao.

 Vận chuyển mía nguyên liệu ở vùng ĐBSCL. Ảnh: HĐ

Hiện nay, năng suất mía bình quân ở ĐBSCL đạt 90 tấn/ha. Đây là mức năng suất tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy vậy, chất lượng mía bình quân đạt 10 CCS vẫn còn thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực. Mặt khác, qui mô sản xuất mía tại ĐBSCL còn nhỏ lẻ, manh mún. Với diện tích bình quân 0,7 ha/nông hộ, chỉ bằng 1/10 so với mức bình quân của Thái Lan (7ha/nông hộ). Việc cơ giới hóa các khâu sản xuất (làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch) còn gặp khó khăn làm giá thành sản xuất mía tăng cao, bình quân khoảng 600-750 đồng/kg. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển mía về nhà máy (bằng đường thủy, xa nhà máy) đã làm tăng chi phí bình quân 250-300 đồng/kg, chiếm 25-30% giá bán mía cho nhà máy… Đó là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng mía, giảm lợi nhuận của nông dân.

Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc liên kết sản xuất mía của nông dân và doanh nghiệp còn khá rời rạc. Một số  doanh nghiệp chủ yếu lo tiêu thụ mía, chuyển giao giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong khi sản xuất chế biến đường, chi phí mía nguyên liệu còn chiếm 70–80 % và chi phí sản xuất mía của nông dân còn rất cao. Bài toán cạnh tranh với sản phẩm đường của các nước trong bối cảnh hội nhập càng trở nên khó khăn. Vì vậy con đường tất yếu là các doanh nghiệp mía đường phải liên kết lại để cùng với nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.

Chủ động liên kết

Theo ý kiến của cán bộ nông nghiệp, ở các tỉnh có vùng trồng mía nguyên liệu, từ khi các nhà máy đường công suất lớn được phân bố ở các địa phương, vai trò và lợi ích của cây mía ở vùng ĐBSCL càng được khẳng định cả về mặt hiệu quả kinh tế và xã hội. Cây mía là cây nông nghiệp quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. So với các cây trồng khác, cây mía hiện có lợi thế và điều kiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tốt nhất (được đảm bảo tiêu thụ, bao tiêu giá tốt), đem lại mức thu nhập ổn định cho nông dân. Ngoài ra, một số giống mía mới chuyển đổi cho thấy khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, khô hạn hay xâm nhập mặn. Về lâu dài cây mía có thể phát triển và cạnh tranh, vì năng suất mía ở ĐBSCL còn khả năng tăng cao hơn nữa.

Hiện nay, CASUCO là một trong những công ty mía đường lớn nhất tại ĐBSCL và là 1 trong 5 công ty có sản lượng đường sản xuất hàng năm lớn nhất cả nước. CASUCO đã xây dựng được vùng mía nguyên liệu ổn định tại các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh; được nông dân và các cấp chính quyền tin tưởng đánh giá cao trong hợp tác sản xuất và tiêu thụ mía.Việc liên kết các công ty, nhà máy đường tại ĐBSCL theo cách thức mà CASUCO thực hiện đã giúp giải quyết các tồn tại trong ngành sản xuất mía đường ở ĐBSCL. Đó là: nông dân an tâm trong trồng mía, không lo đầu ra vì mía trồng đã được ký hợp đồng tiêu thụ với nhà máy. Chất lượng mía được nâng cao do việc sản xuất – thu hoạch được kiểm soát để đảm bảo cho cây mía đủ chín; mía đưa vào ép được tươi nên hạn chế việc tổn thất do giảm chữ đường sau thu hoạch. Qua đó, thu nhập của nông dân cao hơn. Năm 2016, CASUCO sẽ thành lập công ty đầu tư nông nghiệp để xây dựng và qui hoạch lại vùng mía nguyên liệu cho từng nhà máy; trực tiếp đầu tư cho nông dân để nông dân có thể đưa vào sử dụng những giống mía chất lượng, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng; xây dựng vùng chuyên canh mía qui mô lớn để có thể từng bước cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch mía.

HỮU ĐỨC-QV

Chia sẻ bài viết