Với các đặc điểm nổi trội về năng suất và chất lượng, chống chịu tốt với các loài sâu bệnh hại chính, thích nghi với các điều kiện bất lợi của môi trường, các giống lúa OM của Viện Lúa ÐBSCL đã được gieo trồng trên 70% diện tích ở ÐBSCL và được mở rộng ra các vùng miền khác của cả nước. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cạnh tranh ngày càng khốc liệt, điều kiện canh tác trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các nhà khoa học của Viện Lúa phải tiếp tục nghiên cứu ra những giống mới có đặc tính vượt trội để bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng ÐBSCL.
Các đại biểu tham gia đánh giá giống lúa triển vọng vụ đông xuân 2018-2019 tại Viện Lúa ĐBSCL.
Vụ lúa đông xuân 2018-2019, Viện Lúa ĐBSCL đã trình diễn và giới thiệu 33 giống lúa thuộc Bộ giống lúa triển vọng và 6 giống lúa thuộc Bộ khảo nghiệm sản xuất đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm giống, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý chuyên sản xuất, kinh doanh giống đến từ các tỉnh thành vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên... Có nhiều giống lúa triển vọng của Viện được ngành nông nghiệp các địa phương và các đơn vị sản xuất kinh doanh giống đánh giá cao như giống lúa OM10636, OM22, OM3673, OM6976, OM108, OM8, OM9, OM355, OM4900, OM375... Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tập đoàn Lộc Trời, trong số các giống lúa mới triển vọng được Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu, giống lúa OM8 và OM9 được đánh giá cao với hạt gạo trong, đẹp, cơm trắng, thơm đậm. Đây là 2 giống lúa có thể xếp cùng với giống lúa Lộc Trời 28 và ST 24 để hình thành nên nhóm giống đặc sản của Việt Nam với giá trị hơn 1.000 USD/tấn thay vì chỉ là vài trăm USD/tấn như hiện nay.
Không chỉ phục vụ sản xuất ở ĐBSCL, các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL còn phát triển ra một số tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên thông qua việc hợp tác chuyển giao giống lúa giữa Viện và các doanh nghiệp, hợp tác xã… Ông Nguyễn Trường Toán, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: "Nhìn chung các giống lúa được Viện Lúa chọn tạo ở vụ đông xuân năm nay nhiều hơn và đồng đều hơn về đặc tính so với những vụ trước. Hợp tác xã cũng được Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Khoa học Nông nghiệp của Viện Lúa chuyển giao một số giống triển vọng để tiến hành trồng khảo nghiệm ở địa phương, xây dựng mô hình trình diễn nhằm đưa các giống lúa mới tiếp cận nông dân".
Theo Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, hằng năm, bộ giống lúa thực hiện khảo nghiệm quốc gia ở Nam bộ có từ 160-180 giống/năm với khoảng 20 đơn vị trên phạm vi toàn quốc tham gia và thậm chí có một số đơn vị, doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế gần đây những cải tiến về chất lượng gạo của các giống lúa được cải thiện rất nhanh, 90% các giống đều là hạt gạo thon dài, ít bạc bụng, hạt gạo đẹp; tỷ lệ giống có phẩm chất gạo thơm đặc sản khoảng 6% nếp 5%, Japonica 5%... Tuy nhiên, về cơ bản chưa có những giống lúa chống chịu tốt với rầy nâu, hạn mặn; tỷ lệ giống lúa phản ứng hơi kháng hoặc nhiễm nhẹ đạo ôn chiếm khoảng 40%; 60% còn lại là các giống nhiễm đến rất nhiễm đối với đạo ôn. Đây là những vấn đề cần quan tâm khi chọn tạo các giống lúa mới đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Việc phát triển các giống lúa mới ở ĐBSCL ngày càng trở nên khắt khe hơn là đánh giá chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giống cây trồng. Theo ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, vụ đông xuân năm nay, Viện Lúa ĐBSCL trình diễn, giới thiệu gần 40 giống lúa mới. Trong đó xét toàn diện có thể chọn ra được 5-7 giống lúa triển vọng. Đặc biệt có 2 giống OM8, OM9 là sản phẩm mới đột phá về các đặc tính nông học, tiềm năng năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại ngoài đồng và phẩm chất gạo. Do đó, Viện Lúa có thể tiếp tục tập trung nghiên cứu, cải tiến các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng và có giá trị thương mại cao. "Để tạo động lực phát triển các giống lúa mới, ngoài giá trị về canh tác, giá trị sử dụng thì quan trọng nhất chính là sự đánh giá thị trường. Bởi thực tế có nhiều giống lúa khi đánh giá ngoài đồng ruộng rất tốt nhưng khi đi vào sản xuất lại chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Và yếu tố quyết định trong đó chính là sự chấp nhận của thương lái, của thị trường" - ông Nguyễn Quốc Lý, nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: Để tạo ra các giống lúa mới, quá trình chọn giống phải qua nhiều giai đoạn như lai tạo, chọn dòng thuần, so sánh sơ khởi, đánh giá hậu kỳ và khảo nghiệm tính thích nghi các vùng sinh thái để chọn ra các giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt để đưa vào bộ giống lúa triển vọng. Trong công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới, việc cải thiện phẩm chất gạo vô cùng khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu, Viện Lúa xác định nền tảng ưu tiên là cải tiến về phẩm chất gạo; sau đó sẽ tiến hành cải tiến dần các đặc tính chống chịu với sâu bệnh, dịch hại và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn mặn. |
Bài, ảnh: MINH HUYỀN