20/08/2014 - 21:36

Chọn những lĩnh vực then chốt, công nghệ cao để mời gọi vốn FDI

Tính đến tháng 7-2014, cả nước có 16.813 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 242,4 tỉ USD, vốn thực hiện hơn 118 tỉ USD. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ chiếm 43% và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 5% tổng vốn FDI cả nước. Nhằm mục tiêu nâng cao khả năng thu hút đầu tư FDI cho khu vực phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Xúc tiến Đầu tư nước ngoài khu vực phía Nam năm 2014 tại TP Cần Thơ để cùng nhận diện, phân tích những thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm về thu hút đầu tư FDI phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và trong khu vực.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, một số tỉnh, thành khu vực phía Nam có số dự án FDI cấp mới tăng đáng kể và nằm trong tốp đầu cả nước như TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2 cả nước với 208 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 981,12 triệu USD; Bình Dương xếp thứ 3 với 87 dự án được cấp mới, tổng vốn đăng ký 381,5 triệu USD; Đồng Nai xếp thứ 4 với 40 dự án, số vốn 342,47 triệu USD; Tây Ninh xếp thứ 8 với 11 dự án và 259,6 triệu USD vốn đăng ký, Long An xếp thứ 10 với 34 dự án và 258,36 triệu USD… Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các dự án đầu tư FDI có quy mô lớn, vốn đầu tư từ vài chục triệu USD đến trên 1 tỉ USD đa phần tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và kinh doanh bất động sản. Các dự án FDI quy mô nhỏ tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và dịch vụ. Cơ cấu vốn đầu tư FDI ở khu vực phía Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (50%), kinh doanh bất động sản (24%), còn lại là dịch vụ lưu trú, xây dựng và một số ngành khác. Mặc dù kết quả thu hút đầu tư trong những tháng đầu năm 2014 của các tỉnh, thành khu vực phía Nam khá khả quan, song vấn đề các địa phương cần quan tâm là làm thế nào để hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch, tăng tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện dự án.

Dây chuyền sản xuất găng tay bóng chày của Công ty TNHH Quốc tế Tri- Việt (Nhật Bản) tại KCN Trà Nóc II, TP Cần Thơ.

So với các tỉnh, thành ở ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ có lợi thế hơn về thu hút đầu tư FDI do có TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Trong 7 tháng đầu năm 2014, Bình Dương xếp thứ 3 cả nước (sau Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh) về thu hút đầu tư FDI với 87 dự án được cấp mới và 63 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn hơn 1,052 tỉ USD. Theo ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp (KCN) tập trung và 19 nhà đầu tư hạ tầng KCN trong và ngoài nước. Dự kiến trong năm 2014, các khu công nghiệp của Bình Dương có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trên dưới 1,5 tỉ USD. "Lợi thế nằm gần trung tâm kinh tế lớn của cả nước- TP Hồ Chí Minh chỉ là một phần trong kết quả thu hút đầu tư của Bình Dương. Ngoài tranh thủ khai thác lợi thế này, tỉnh còn đặc biệt chú trọng phục vụ tốt các nhà đầu tư tại chỗ, xem đây là công tác xúc tiến đầu tư quan trọng nhất, mang lại thành công và hiệu quả to lớn nhất. Bởi lẽ khi nhà đầu tư tại chỗ được phục vụ tốt nhất, họ sẽ có những đánh giá khách quan và những thông tin giới thiệu tích cực về địa phương đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác" - ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, khẳng định.

Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư FDI, song kết quả thu hút đầu tư còn rất khiêm tốn so với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành khác. Tính đến tháng 7-2014, thành phố có 59 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 917,9 triệu USD, vốn thực hiện chiếm 31,6% tổng vốn đăng ký. Theo ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, để cải thiện bức tranh thu hút đầu tư FDI, thành phố đã và đang tập trung vào việc nâng chất hoạt động xúc tiến đầu tư cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Lãnh đạo thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban, ngành liên quan xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi của dự án để làm tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Thành phố cũng chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các động thái hỗ trợ nhà đầu tư khi họ đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư và trong quá trình hoạt động sản xuất khi đã đầu tư lâu dài. Song song đó, thành phố cũng quan tâm tổ chức các hoạt động đối thoại doanh nghiệp định kỳ mỗi tháng 1 lần và chỉ đạo Tổ hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên đồng hành, nắm bắt thông tin hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời có hướng hỗ trợ phù hợp.

Tại Hội nghị giao ban Công tác Xúc tiến đầu tư nước ngoài khu vực phía Nam năm 2014 tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, hiện các chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng gặp không ít khó khăn do phải tự giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, trong khi nhà đầu tư thứ cấp rất cân nhắc trong việc cân đối vị trí và chi phí thuê đất. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế hỗ trợ về đầu tư hoàn thiện hạ tầng, ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để giúp tăng thu hút đầu tư FDI vào khu vực phía Nam. Để công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tích cực, các địa phương cần lựa chọn những lĩnh vực then chốt, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hướng đến những nhà đầu tư tiềm năng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể để có hướng xúc tiến đầu tư phù hợp. Đồng thời, cần tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư FDI đã vào hoạt động lâu dài tại địa phương, phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn FDI.

Ông Đỗ Nhất Hoàng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định: "Các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần tập trung xúc tiến đầu tư FDI theo trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng thu hút đầu tư dàn trải, gắn với cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng. Cần gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch, các chương trình tuyên truyền đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn công tác phối hợp xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành liên quan cấp Trung ương, giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các đơn vị thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư ở các tỉnh, thành để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thu hút đầu tư FDI". Cục trưởng cũng lưu ý những tháng còn lại của năm 2014, các tỉnh, thành cần nhanh chóng xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15-9-2014 để Bộ xem xét, tổng hợp và hoàn thành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 của cả nước để phối hợp thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết