28/11/2011 - 20:21

CHỌN MUA MẮT KÍNH
May nhờ, rủi chịu (!)

Mắt kính được bày bán cặp lề đường ở nội ô
TP Cần Thơ.
 

Theo một số người kinh nghiệm lâu năm trong nghề bán mắt kính, thị trường mắt kính hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chất liệu, nhưng để chọn mua được một sản phẩm đúng giá trị - chất lượng và giá cả, không hề dễ chút nào. Bởi ở nhiều cửa tiệm, có nơi để “đại hạ giá” chỉ 15.000 - 30.000 đồng/cái, chỗ khác lại có giá cả trăm ngàn đồng một cái mà mẫu mã, nhãn mác cũng không có gì khác nhau, nếu là “nghiệp dư” sẽ không phân biệt được hàng thật, giả...

Dạo qua các tuyến phố nội ô thành phố, hầu hết các tiệm bán mắt kính đều nằm ở các ngã ba, ngã tư đường lớn thuộc vị trí “độc”, nhưng số khách hàng ghé vào chẳng mấy đông đúc. Chi phí mặt bằng, nhân viên... mỗi tháng đương nhiên không phải là số tiền nhỏ, nhưng các cửa hàng này vẫn thường xuyên có những câu quảng cáo chào hàng rất “sốc”: “Giảm giá 25% đến 30%”, “đại hạ giá” và có cả những đợt giảm giá theo ngày lễ, Tết...

Bên trong các cửa hiệu này trưng bày la liệt kính và kính, bên cạnh đó là “phòng kỹ thuật” mà có lẽ nhiệm vụ thường xuyên là...cắt tròng kính để gắn cho vừa vào gọng. Khâu khám, đo mắt được giao cho những nhân viên mà theo điều tra riêng của chúng tôi hầu hết không có bằng cấp chuyên môn. Họa hoằn lắm mới thấy tên một bác sĩ chuyên khoa trên bảng hiệu của những hiệu kính, nhưng thực tế nếu bạn muốn được vị bác sĩ này chẩn đoán cho mình thì... “hơi bị” khó. Vì một lý do rất đơn giản ...họ không có mặt ở đó. Và những nhân viên bán hàng tha hồ “phiêu” ra hàng tá thuật ngữ nhãn khoa lóa mắt người mua. Về chất lượng của các máy đo mắt điện tử, người viết bài này trong vai một người bị cận thị đi mua kính, đã nhờ 4 nơi đo và thật “thú vị” là có 3 kết quả khác nhau được đưa ra và một lần không rõ kết quả (!). Ở cửa hàng thứ tư, khi biết tôi nghi ngờ về kết quả các máy điện tử, nhân viên yêu cầu để đo mắt bằng phương pháp thủ công và nhất định là không dùng máy nữa (dù cửa hàng có máy đo).

Mắt kính (mát) thuộc “hàng hiệu” có tiếng trên thị trường hiện nay phải có đến hàng chục loại khác nhau như: Gucci, Rayban, Louis Vuitton, Channel, Julindas, Kaluosha, Kaizi, Sun Gold, Armani, Ou Feng, Omega, Diesel,... gọng bằng chất liệu xi inox, nhựa, nhôm hoặc titan với khá nhiều tròng kính đủ màu, đủ kích cỡ. Và giá cả cũng đủ loại, từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng/cái. Nhưng đại đa số là chỉ cần bỏ ra từ 100 đến 150 ngàn đồng là có thể sở hữu một cặp kính “hàng hiệu”, “chính hãng”. Lý giải về hiện tượng giá rẻ “bất ngờ” này, một nhân viên bán kính hào hứng khoe: “Đó là chiến lược kinh doanh của cơ sở tụi em, hơn nữa tụi em lấy hàng chính hãng với giá gốc nên giá bán mới “mềm” như vậy”! Một nhân viên của cửa hàng khác thì có cách lý giải nghe có vẻ “chuyên nghiệp” hơn khi cho rằng hàng hiệu giá rẻ là vì “kính là mặt hàng thời trang, khi đã qua “mốt” thì rớt giá. Nhưng đảm bảo chất lượng vẫn tốt”. Nhưng theo một người am tường trong nghề mắt kính (trước đây có cửa tiệm nhỏ gần công viên Lưu Hữu Phước nay đã nghỉ bán) thì giá thấp là do hầu hết là hàng nhái, hàng giả của Trung Quốc sản xuất. “Nhưng khó có cách phân biệt được hàng nhái, nó giống nhau như hai giọt nước, chỉ dân trong nghề mới biết. Các cửa hiệu mắt kính ở Cần Thơ rất đông, vậy chớ số cửa hàng bán đồ uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn mua kính tốt, hãy tìm những cửa hiệu uy tín, có bảo hành, chỉ số trên gọng kính phải chuẩn, đường nét sắc sảo thì may ra mới là hàng đúng chất lượng...” - ông cho biết.

Tôi tìm đến một “dân trong nghề” là bác sĩ chuyên khoa mắt với ý định tìm hiểu cách phân biệt giả - thật. Nhưng vị bác sĩ này cũng khẳng định “chỉ có các bác sĩ chuyên khoa, với thiết bị đầy đủ mới xác định được chất lượng kính (về mặt y học), còn vấn đề hàng chính hãng hay hàng giả thì cách duy nhất là mua hàng ở những đại lý chính hãng với điều kiện đơn vị đó không bán hàng giả, hàng nhái”. Như vậy, trong đa số trường hợp, điều duy nhất mà người mua có thể gửi lòng tin là “lương tâm của nhà buôn”.

Tại các sạp mắt kính thời trang ven đường được bày bán tràn lan, phần lớn là hàng “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ, Hàn Quốc, Italia... Anh Tuấn Anh, chủ một sạp mắt kính trên đường Quang Trung, cho biết: “Các sản phẩm này giá rất “bèo”, chỉ từ 30.000-70.000 đồng/cái. Những chiếc kính được trang bị thêm hộp đựng, khăn lau, thì giá có thể lên tới 100.000 đồng. Các loại kính thuốc cho người cận hoặc viễn thị giá bán cũng chỉ trên dưới 50.000 đồng và được nhiều người hỏi mua. Trung bình mỗi ngày có thể bán ra trên dưới 30 cái, còn bữa nào trời mưa ế ẩm lắm cũng phải bán được khoảng 15-20 cái. Cũng mặt hàng này, nhưng nếu bày trong tiệm thì giá bán cũng vô chừng lắm! Toàn hàng Trung Quốc, nhưng người mua rất dễ lầm tưởng đó là hàng hiệu mà không biết”.

Theo chân một anh bán dạo mắt kính và chứng kiến cảnh mặc cả rất thú vị. Từ giá khởi điểm là 80.000 đồng/cặp kính, sau một hồi “cò kè” anh này đã chấp nhận “bán mở hàng” cho một chị đang chờ xe về Kiên Giang với giá 20.000 đồng(!). Bà chị hớn hở, riêng tôi chỉ hy vọng khi trở về qua đường Cách Mạng Tháng Tám chị đừng nhìn thấy những dòng chữ “Mắt kính Hàn Quốc đại hạ giá 10.000 đồng - 15.000 đồng” để khỏi mất vui! Mong vậy nhưng chắc khó vì trên đoạn đường này có tới gần chục “sạp kính” như thế và những dòng chữ ấy lại viết rất to. Còn chị Nguyễn Thu Hoài, khách hàng chọn mua kính tại một tiệm mắt kính trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nói: “Đứng trước một “rừng kính” với đủ nhãn hiệu, giá cả, nhưng tôi lại không biết nhiều về mặt hàng này, nên phân vân không biết nên chọn loại nào cho hợp với khuôn mặt. Bây giờ các tiệm mắt kính mọc lên quá nhiều, chẳng biết chỗ nào uy tín, bán đúng giá, đúng chất lượng. Có loại tròng chỉ vài chục ngàn, có gọng đến vài trăm, thậm chí cả triệu đồng. Thật, giả rất khó phân biệt, cái nào cũng thấy đẹp, nhưng nhãn mác, xuất xứ không biết thực hư ra sao”.

Trước đây, khi phà Cần Thơ còn hoạt động, mỗi lần đi qua đều bắt gặp vài người bán kính mắt với nguyên xề kính trước ngực, nhưng mỗi ngày họ chỉ bán được vài cái. Mới đây tôi gặp lại anh bạn quen và hỏi lại câu chuyện bán kính ngày xưa ở phà Cần Thơ, anh bảo: “Thấy vậy chớ mỗi ngày chỉ cần bán được 3-4 cái là sống khỏe. Vốn 10 thì lời 70-80 hỏi làm sao không sống khỏe. Bây giờ phà nghỉ chuyển nghề khác rồi, nhưng nhớ lại tiếc lắm!”.

Theo khuyến cáo của một bác sĩ chuyên khoa mắt (hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (yêu cầu giấu tên), thì đối với kính mát, nếu chất lượng tròng kém (nhất là trường hợp “dợn sóng”) thì hình ảnh sẽ không thật, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Hơn nữa, mắt phải điều tiết liên tục gây đau nhức, chóng mặt... Còn nếu tròng kính kém chất lượng không cản được tia UV sẽ có hại cho võng mạc. Đối với kính thuốc, chất lượng kém sẽ gây quang sai, làm mắt phải điều tiết liên tục, có hại cho mắt. Trường hợp đeo kính không đúng độ làm mắt không nhìn rõ hoặc mắt phải điều tiết nhiều gây mệt mỏi, đau nhức mắt và tăng độ... Theo vị bác sĩ này, phải đo mắt ở những nơi có bác sĩ chuyên khoa mắt và mua kính ở những bệnh viện chuyên khoa hay những nơi đảm bảo uy tín, chất lượng. Tuyệt đối không mua kính ở chợ, tiệm tạp hóa ...những loại kính không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bài, ảnh: TƯỜNG DUY

Mắt kính được bày bán cặp lề đường ở nội ô TP Cần Thơ. 

Chia sẻ bài viết