Bây giờ, đời gạo chợ nước sông đi hát bầu gánh không còn đắp đổi qua ngày được nữa. Cải lương đã băng qua thời hoàng kim, đâu còn tung hoành với câu ca mùi mẫn và những tràng pháo tay tán thưởng giòn giã của khán giả. Cho nên kép hát, đào hát buộc phải đổi nghề. Không đổi sao được. Đâu thể bám víu mãi với những tuồng tích thấm đẫm nhân sinh mà trong bụng cồn cào chuyện mẹ bệnh con đau không tiền đi bác sĩ.
Những giọng ca mùi mẫn, nhịp nhàng thuần thục đều về phố thị bươn chải vào các phòng trà, ca đám tiệc. Bởi vậy gánh hát Hoa Liên giờ chỉ còn lưa thưa vài chiếc bóng. Tiếng đờn kìm của ông Sáu hôm nay buồn quá. Mấy chục năm theo nghề có bao giờ nghe ông nhấn nhá những chữ đờn đứt gan đứt ruột như vầy đâu. Nét điêu luyện của ngón đờn tài hoa đã phiêu bạt với gánh này từ khi ông còn thanh niên, đến giờ mái tóc ông đã nhiều sợi trắng. Không gian như yên lặng hẳn đi. Trong tiếng tơ lòng buông nhả ấy, có tiếng réo rắt nỉ non, luyến lưu, giận hờn, oán trách... Lê ngồi nghe ông đờn như muốn nuốt trọn từng tiếng buồn phát ra. Đến khi dứt song loan, ông Sáu mới bùi ngùi nhìn chữ nhấn cuối cùng của bản phụng hoàng. Lê ngước nhìn ông, hỏi lại:
- Chú Sáu, đêm nay nữa là gánh mình chia tay hả chú?
- Chắc thế rồi. Chứ không thể để anh em khổ thêm nữa. Chú nghe đâu vợ chồng thằng Tư lục đục hoài. Còn ông bầu thì không còn đủ sức giữ gánh. Chú cũng đau lắm nếu phải bỏ cây đờn đã theo chú ngần ấy trôi dạt. Nhưng cái nghiệp cầm ca vốn lênh đênh mà.
Lê cố kìm nén những giọt nước trên đôi mắt cô đào trẻ mới vào gánh chừng ba năm. Không lâu nhưng đủ dài cho những tấm lòng đối đãi với nhau. Người nghệ sĩ nào mà không đa cảm với vui buồn trong lời ca nét diễn và cuộc đời. Chiều qua, Lê được nhắn về tập dợt lại tuồng. Hát một đêm nữa rồi buông. Anh em coi như gặp gỡ, diễn chung với nhau một lần sau cùng để chia biệt.
- Thằng Hoài không về sao bây?
- Ảnh kẹt nhận hát đám tang trên thị trấn rồi chú Sáu.
- Cái thằng, coi vậy cũng tệ… Mà trách móc nó sao được. Thôi thì có nhiêu làm nhiêu vậy.
Được ông bầu ủy quyền phụ trách cho đêm diễn tối nay, mọi việc lớn nhỏ đều do ông Sáu sắp xếp. Ông báo tin cho những người đã từng theo gánh, có nghệ sĩ thành danh với nhiều sân khấu lớn, cũng có người phải chật vật kiếm cơm bên quán nhỏ tạm bợ lề đường, hay phải tất tả mồ hôi với nghề xe ôm đầu chợ. Vậy đó, khi tắt ánh đèn sân khấu, trút xuống áo hoa lộng lẫy, gột rửa son phấn; thì ông hoàng bà chúa, công nương tiểu thư khuê các cũng chỉ là những mảnh đời vất vả, gieo neo. Người nên danh phận thì hiếm hoi có thời gian trở về thăm gánh, còn kẻ lận đận thì không dứt được phận tơ tằm. Út Mảnh đi ghe hàng bông tranh thủ bán buôn buổi sáng để chiều lại gánh tập dợt. Cũng mấy năm rồi đâu có hát, giọng cô đào ăn khách một thời đã quen với những câu rao í ới biết có còn bắt lòng người mộ điệu như trước không. Loe hoe trên sàn diễn chỉ có vài người. Luýnh quýnh trong bộ đồ thơm mùi nắng cháy, mặt lơ lửng chạy vào như con nít sắp được quà.
- Chú Sáu, con đến hơi trễ. Anh em tập tới đâu rồi chú.
- Cũng vừa tập thôi. Bây cũng không có trễ gì đâu.
- Hát vở Đường Minh Hoàng hả chú?
- Ừ. Chú cho tụi bây được lộng lẫy thêm lần này.
Dàn nhạc đã có thêm người đánh ghita, Út Mảnh đợi đờn rao lại bản quen, những tuồng này đâu còn lạ gì nữa mà phải cầm kịch bản. Út hắng giọng cho bớt khan mùi rau cải, rồi cất lên.
- Quân vương ơi...
Vẫn lảnh lót vẫn ngọt ngào như thuở trước, chỉ có làn da đã đen sạm vì nắng mưa đầu ngõ cuối xóm mà thôi. Chất nghệ sĩ bấy lâu ngủ quên trong Út nay lại bất chợt thức dậy. Nghe nhả chữ có đôi chỗ hơi chát nhưng không ai than vãn gì cả bởi dòng đời xuôi ngược thì sạn sẩy đôi chút đó cũng có là bao. Nhịp phách vẫn êm ru và sành điệu. Út cứ còn đó hào quang sáng chói của cô đào chánh gánh hát Hoa Liên. Vũ đạo, đi đứng nhanh nhẹn, uyển chuyển. Tiếng ca cứ trầm bổng du dương này đã lấy lòng biết bao khán giả.
Tư hỏi vợ cho anh về gánh để hát đêm chia tay. Chị Tư có cò kè, khó khăn gì đâu. Nhưng mỗi lần đi hát là anh lại say. Anh nói hát xong, màn nhung khép lại, nhìn bầu gánh nẫu ruột lỗ lời, anh buồn quá uống vài ly. Nếu khó khăn với anh thì hồi xưa chị đâu ưng kép hát làm gì cho cực. Gánh hát xuống dốc, chị cũng buồn. Nhưng anh vì buồn mà uống rượu hoài nên chị Tư không cho anh đi hát nữa. Nghe nói đêm nay là bầu gánh tổ chức hát đêm cuối, chị cũng chẳng kỳ kèo gì anh.
- Mình đi, gặp mặt anh em cho tôi gửi lời thăm hỏi. Gánh giải tán, mọi người sẽ cực khổ nhiều. An ủi, khuyên lơn nhau để bớt buồn. Nói vậy chớ, nghề nghiệp mà. Vắng ca vắng diễn cũng xót lắm.
- Tôi biết rồi. Nhưng sao ngăn được anh em xót xa.
- Hàng giao gấp quá, nếu không tôi cũng đến xem. Dù gì cũng nhờ sân khấu gánh đó mà tôi với mình mới gặp nhau...
Tư nghe mấy lời chị nói, lòng cũng chạnh se sắt. Anh nghe văng vẳng bên tai câu ca “Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ”. Chỉ là lời ca thôi, sao viết chi mà thắt thẻo quá.
Ông bầu gánh lựng khựng bước vào. Cái tướng bảnh khảnh hồi trước đã thay bằng dáng đi chậm rãi, yếu ớt. Sân khấu đêm nay trang hoàng bắt mắt. Phía bên trên ghi rõ ràng “Đêm diễn chia tay” vẽ lên một gam màu u tịch. Phía dưới sân khấu, người đến xem có phần nhỉnh hơn những lần diễn trước. Không biết người đến vì tò mò câu chuyện rã gánh, hay vì còn mê mẩn những giọng ca một thời. Ông bầu cầm chiếc mic tâm sự với mọi người, cuối cùng, ông mời tất cả thưởng thức lại vở hát “Đường Minh Hoàng” với đào kép Tư - Mảnh.
Đèn sân khấu vụt tắt, dành lại khoảng lặng cho cánh màn nhung, rồi đèn bật lên, màn đã mở. Ở đó, người ta thấy vị vua oai phong, cạnh bên là nàng Dương Quý Phi lộng lẫy. Chẳng ai còn nhớ ra nàng ấy hàng ngày tới lui với ghe hàng bông kiếm từng đồng nhặt nhạnh. Họ say sưa với câu hát, nét diễn ăn ý hòa quyện cùng những ngón đờn điêu luyện của dàn nhạc nép sau cánh gà. Lại những tràng pháo tay giòn giã sau những câu ca chất chứa cả hồn người diễn xuất. Tiếng ca cứ vang vọng, lan ấm cả màn đêm thưa thớt sao.
Đến cuối tuồng, tiếng ca vẫn bay bổng, đầy hỉ, nộ, ái, ố cùng chữ đờn xốn xang của ông Sáu, như nỗi lòng của người nhạc sĩ qua những thăng trầm của nghề. Đêm diễn chia tay, mọi người cứ thỏa sức ca diễn, vì sau đêm nay biết còn gặp lại như vầy nữa không. Nàng Dương Quý Phi rồi trở về với ghe cải, còn Đường Minh Hoàng tất bật cùng vợ con trong cuộc sống thường nhật, An Lộc Sơn lại nhọc nhằn từng cuốc xe ôm, chở người thiên hạ về những bến đợi mà không biết bến đợi nào đang chờ anh.
Ông bầu cố gượng cười như ủng hộ những thành viên mình gắn bó bấy lâu. Tiếng đờn vẫn còn tươi lắm, giòn lắm. Giọng ca vẫn còn lảnh lót lắm. Nước mắt An Lộc Sơn, nước mắt vua Đường, lẫn nước mắt của nàng quý phi họ Dương rỏ nóng lên sàn diễn. Tiếng song loan ngập ngừng. Đêm lộng lẫy hơn bao giờ hết. Còn tiếng đờn kìm của ông Sáu cứ bịn rịn không điểm dừng.
Màn khép lại. Đêm bỗng dưng trôi nhanh qua từng ánh mắt thành viên trong lúc bôi xóa đi lớp son phấn hóa trang. Trả lại hết. Ông hoàng bà chúa. Cung son gấm vóc. Mọi người ôm siết lấy nhau thủ thỉ những lời từ biệt. Sân khấu trả cho đời bằng những lớp diễn, sau từng lớp diễn này ai sẽ trả lại tâm tình nghệ sĩ với những đam mê. Vãn hát, tất cả đều lặng đi vì biết sau đêm này những nguy nga không còn tráng lệ trên muôn mặt đường đời. Cơn gió nhẹ thổi vào lòng người điệu thức ưu tư trầm lắng. Lê chỉ đóng vai nhỏ trong vở tuồng, nhưng nước mắt cô cũng rơi không kém.
Rất lâu sau đêm diễn ấy, trong một lần, Út Mảnh giờ đã bán rau cải trên phố, dừng lại bên đường, Út thấy ti-vi nhà nọ đang “bắt” tuồng “Đường Minh Hoàng”.
- Ngộ, thời buổi này người ta vẫn còn xem cải lương sao?
Út mỉm cười, đẩy xe đi.
PHAN DUY