26/05/2009 - 08:28

Hỗ trợ nhau thoát nghèo

Cho mượn trọng lượng bò!

Đa phần các dự án hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo bằng hình thức tạo điều kiện cho bà con vay vốn với chính sách ưu đãi để đầu tư làm ăn. Trong thực hiện Dự án Nâng cao đời sống ở tỉnh Trà Vinh, có một địa phương áp dụng cách làm mới và rất hiệu quả, đáng để nhiều nơi tham khảo, đó là cho người nghèo mượn trọng lượng bò mà không tính lãi suất. Cách làm này giúp nông dân yên lòng vì không sợ thua lỗ do giá bò sụt giảm, vì họ chỉ trả bò chứ không trả bằng tiền đã vay...

Nơi áp dụng cách làm này là ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, địa phương có trên 90% hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Mô hình cho mượn trọng lượng bò được Ban thực hiện Dự án Nâng cao đời sống xã Ngãi Xuyên triển khai đến người dân ấp Xoài Thum năm 2005. Để tất cả các hộ nghèo trong ấp được hưởng lợi từ dự án, Ban quản lý, thực hiện dự án đã chỉ đạo thành lập tại Xoài Thum 6 nhóm được dự án lần lượt hỗ trợ theo hình thức trên. Nhóm đầu tiên có 32 hộ dân được dự án hỗ trợ, cho mượn 64 con bò. Sau 24 tháng, số bò đã được thu hồi để hỗ trợ cho hộ nghèo ở nhóm khác. Hầu hết các hộ dân được dự án hỗ trợ theo hình thức cho mượn trọng lượng bò đều đạt kết quả, bà con có lời khá nhiều sau khi trả lại bò cho dự án. Có hộ sau khi trả bò, tài sản còn lại từ đàn bò của mình hiện tại trên 20 triệu đồng.

 Đàn bò của bà Mane có được từ mô hình cho mượn trọng lượng bò.

Điển hình như bà Kim Thị Sa Mane là hộ đông con, gia đình chỉ có 2 công đất, thuộc diện đặc biệt khó khăn của ấp, nhưng nhờ dự án hỗ trợ, sau khi trả bò hiện tại bà cầm chắc trong tay trên 20 triệu đồng. Tháng 2-2005 bà Mane được dự án cho mượn 2 con bò, mỗi con trọng lượng 220 kg. Sau 24 tháng nuôi, cuối năm 2007 bà Mane trả 2 bò cái có trọng lượng tương đương trong đàn bò 5 con đang nuôi. Đến thời điểm này bà Mane có 4 con bò, tổng trị giá khoảng 25 triệu đồng. Hay như hộ chị Thạch Thị Tiên, không đất đai, vợ chồng chị phải làm mướn vất vả để nuôi cả gia đình 4 miệng ăn. Chị Tiên được dự án cho mượn 2 con bò cái, trọng lượng mỗi con trên 200 kg. Sau thời gian 2 năm nuôi bò, khi trả bò cho dự án chị còn lại 1 bò mẹ và 2 bò con. Chị vừa bán 2 bò nghé được gần 10 triệu đồng. Chị Tiên vui mừng nói: “Tôi nghe ở nơi khác, người ta vay tiền mua bò, có người bị lỗ vì bò rớt giá, bò không sinh sản. Nên trước đây dù trong lòng rất muốn nhưng tôi không dám vay tiền để mua bò nuôi. Được dự án hỗ trợ, nói rõ cách nuôi là cho mượn trọng lượng, bò không lên giống thì đổi bò, gặp rủi ro thì cho gia hạn thời gian nuôi nên tôi yên tâm. Bây giờ thì mừng lắm, vì dự án đã đem lại kết quả, tôi vừa có tiền trong tay, lại còn con bò làm giống. Tôi dặn với lòng sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên, không phụ sự quan tâm của Nhà nước”. Thực tế, ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dự án nuôi bò khác được triển khai đến nông dân, nhưng không đạt hiệu quả bằng cách cho mượn trọng lượng bò.

Với hình thức hỗ trợ xoay vòng, đến nay có 64 hộ dân nghèo ở Xoài Thum được dự án hỗ trợ nuôi bò, và từ đàn bò ban đầu 64 con, nay đã nhân đàn được trên 180 con. Ở ấp Xoài Thum 2 năm qua có gần 20 hộ thoát nghèo, trong số này trên 10 hộ vươn lên nhờ tác động của dự án nuôi bò.

Đồng chí Cao Hoài Phương, Trưởng ban thực hiện Dự án Nâng cao đời sống xã Ngãi Xuyên, cho biết: “Có thể nói, trong nhiều hợp phần của dự án, thì phần hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò theo hình thức cho mượn trọng lượng đã phát huy hiệu quả như mong muốn. Không chỉ Xoài Thum, tới đây chúng tôi sẽ mở rộng mô hình sang các ấp khác để đẩy nhanh hiệu quả việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhiều địa phương khác ở tỉnh cũng đã đến học hỏi cách làm này ở Xoài Thum”.

Có thể nói, đây là một cách làm hay mà các nơi nên tham khảo để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Bởi người dân được dự án hỗ trợ, thật sự yên tâm vì không sợ gặp rủi ro.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết