04/07/2009 - 09:03

Honduras:

Chính quyền lâm thời để ngỏ khả năng bầu cử sớm

Ảnh: AP

OAS cân nhắc áp đặt biện pháp trừng phạt

(TTXVN)- Tình hình chính trị căng thẳng tại Honduras sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống đương nhiệm Manuel Zelaya ngày 28-6 vừa qua tiếp tục có những diễn biến mới trong khi cộng đồng quốc tế không ngừng gia tăng sức ép đối với chính quyền lâm thời tại quốc gia Trung Mỹ này.

Ngày 2-7, Tổng thống lâm thời Roberto Micheletti (ảnh) tuyên bố sẽ không phản đối kế hoạch tiến hành tổng tuyển cử sớm, có thể vào tháng 11 tới, nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông cũng để ngỏ khả năng tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc phục chức cho ông Zelaya.

Theo các nhà ngoại giao, bầu cử sớm có thể là một giải pháp khả thi giúp Honduras sớm ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối tiếp tục lan rộng, viện trợ nước ngoài bị phong tỏa và nhiều nước rút đại sứ tại Honduras về nước.

Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị phế truất vẫn tiếp diễn tại thủ đô và nhiều thành phố lớn của Honduras. Tại trung tâm kinh tế lớn San Pedro Sula, quân đội đã phải can thiệp khi một số người quá khích đập phá các cửa hàng. Theo các nguồn tin tại chỗ, trong ngày 2-7 đã có thêm ít nhất 2 người bị thương trong các vụ trấn áp này và nhiều người bị bắt giữ.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu từ Panama ngày 2-7, Tổng thống Zelaya cho biết có kế hoạch về nước vào cuối tuần này. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng khoan dung những kẻ đứng đầu vụ đảo chính vừa qua. Hiện nhà lãnh đạo bị lật đổ này đang thực hiện hành trình tới hàng loạt quốc gia trong khu vực vì “những lý do chiến lược” nhằm vận động sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp đặt đối với Honduras nếu giới chức nước này phớt lờ “tối hậu thư” của OAS. Tuy nhiên, ông cũng nhận định “rất khó xoay chuyển tình hình” trước hạn chót (ngày 4-7) mà OAS đặt ra cho chính phủ lâm thời tại Honduras để thực hiện yêu cầu trên.

Chia sẻ bài viết