10/05/2011 - 09:06

Xung quanh vụ Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden

Chính phủ Pakistan chịu nhiều áp lực

Biểu tình chống Mỹ ở Abbottabad, lên án vụ đột kích tiêu diệt bin Laden là hành động xâm phạm chủ quyền Pakistan. Ảnh: AP

Trong buổi phỏng vấn trên chương trình “60 phút” của đài CBS (Mỹ) hôm 8-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ mối nghi ngờ về việc có thể Chính phủ Pakistan đã biết trước nơi ẩn nấp của Osama bin Laden, và thủ lĩnh al-Qaeda có thể được giúp đỡ từ các quan chức Pakistan. Phát biểu trên của ông Obama đang gây sức ép buộc Pakistan phải tiến hành điều tra về cái gọi là “mạng lưới hỗ trợ khủng bố” trong nội bộ nước này.

Từ sau đợt truy kích tiêu diệt bin Laden tại Abbottabad (Pakistan), mối quan hệ vốn còn nhiều hục hặc giữa Washington và Islamabad rạn nứt nghiêm trọng. Mối nghi ngờ của Mỹ trở nên sâu sắc hơn về khả năng mà họ cho là Cơ quan tình báo liên ngành (ISI) của Pakistan vốn có bề dày lịch sử tiếp xúc với các nhóm vũ trang có thể có những quan hệ với thủ lĩnh al-Qaeda; hoặc có thể một số nhân viên mật vụ của họ có mối quan hệ này. Thực tế, việc bin Laden có thể ẩn náu lâu ngày nơi cách một học viện quân sự hàng đầu của Pakistan khoảng 2 km và cách Thủ đô Islamabad chưa tới 100 km khiến Mỹ không thể không hoài nghi.

“Chúng tôi nghĩ rằng chắc hẳn phải có một mạng lưới ủng hộ bin Laden trong nội bộ Pakistan nhưng chúng tôi không biết đó là ai và mạng lưới đó là như thế nào” - ông Obama nói. Tuy nhiên, ông Obama không loại trừ khả năng mạng lưới đó có một số người là quan chức Chính phủ Pakistan, một số người bên ngoài và đó chính là điều mà ông đề nghị “Mỹ và quan trọng hơn là Chính phủ Pakistan phải điều tra”. Nhà Trắng cũng kêu gọi Islamabad giúp xóa bỏ những hoài nghi của Mỹ với họ bằng cách cho các nhà điều tra Mỹ tiếp cận 3 người vợ của bin Laden đang bị Pakistan giam giữ để khai thác thêm thông tin về al-Qaeda.

Về phần mình, Pakistan đã lên tiếng bác bỏ những ám chỉ cáo buộc họ tiếp tay bin Laden và cho rằng nước này đã trả cái giá đắt nhất về sinh mạng con người cũng như tiền bạc trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố kể từ sau sự kiện al-Qaeda tấn công nước Mỹ hồi 11-9-2001. Đại sứ Pakistan tại Mỹ, Husain Haqqani cho biết chính phủ nước ông sẽ bắt tay vào điều tra và sẽ hành động dựa trên kết quả của cuộc điều tra. “Nếu có bất kỳ ai bị phát hiện thông đồng, bao che cho bin Laden, chúng tôi sẽ không tha thứ cho kẻ đó” - ông Haqqani nói.

Trong lúc này, chính trường Pakistan cũng nổi sóng. Nhiều nhà lập pháp có tiếng nói quan trọng ở nước này nổi giận, gây áp lực đòi Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari và một số quan chức cấp cao trong chính phủ từ chức. Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi vấn xung quanh việc Islamabad biết được đến bao nhiêu về chỗ ẩn nấp của bin Laden và tại sao lực lượng quân đội nước này không thể hành động để ngăn chặn biệt kích của Mỹ tự ý dùng trực thăng tiến hành chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda ngay trên lãnh thổ của họ mà không xin phép hay thông báo trước. Theo Cựu Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi, điều này là sự xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Pakistan. “Người chịu trách nhiệm cho việc này không ai khác chính là Tổng thống Zardari và Thủ tướng Yousuf Raza Gilani, họ nên từ chức” - ông nói. Đồng tình với quan điểm này, Chaudhry Nisar Ali Khan, lãnh đạo phe đối lập chính tại Quốc hội Pakistan cũng kêu gọi các quan chức cấp cao của chính phủ nên nhận trách nhiệm bằng cách từ chức.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết