19/02/2021 - 05:00

Chiến tranh Lạnh mới về vaccine 

Nga và Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh thông qua ngoại giao vaccine COVID-19, gây khó cho kế hoạch của Mỹ về việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Nga, Trung cạnh tranh

Argentina mua 25 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và đã tiêm trên 600.000 liều. Ảnh: Getty Images

Argentina mua 25 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và đã tiêm trên 600.000 liều. Ảnh: Getty Images

Cuối tháng 12-2020, Mexico tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức). Tuy chỉ có 3.000 liều dành cho đất nước 126 triệu dân, nhưng đó được coi là thời khắc mang tính biểu tượng. Mexico lập tức triển khai kế hoạch tiêm chủng trên toàn quốc. Nhưng 1 tháng rưỡi sau đó, chiến dịch này phải tạm ngừng. Tính đến ngày 9-2, mới có hơn 724.000 người được tiêm liều thứ nhất. Bên kia biên giới, Mỹ đã tiêm cho gần 42 triệu người, với tốc độ tiêm 1,4 triệu liều/ngày.

Khi Mỹ và các nước phát triển tăng tốc chương trình tiêm vaccine, sự khó chịu tăng cao tại những quốc gia có thu nhập thấp. Chớp lấy cơ hội này, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh cung cấp vaccine cho những nước đang phát triển. Tại Mỹ Latinh, những nỗ lực này được cho là sẽ tạo ra hậu quả khó lường cho các liên minh và địa chính trị trong vài năm tới.

Đơn vị Tình báo Kinh tế ước tính nếu chủ nghĩa dân tộc vaccine vẫn tiếp diễn, hơn 85 quốc gia thu nhập thấp sẽ phải chờ đến năm 2023 mới tiếp cận được vaccine đầy đủ. Kịch bản này chỉ có lợi cho sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga, Trung tại các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh. Đơn cử như Argentina và Nicaragua đều đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng khẩn cấp. Cả Tổng thống Argentina Alberto Fernández và Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner cũng đã tiêm Sputnik V hồi cuối tháng rồi.

Cùng thời điểm trên, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tiết lộ cuộc điện đàm nồng ấm giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó đã mời nhà lãnh đạo xứ bạch dương đến thăm Mexico. Hai tổng thống cũng thông báo về lô 24 triệu liều vaccine Sputnik V chuyển đến Mexico, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên tại Bắc Mỹ sử dụng chế phẩm này. Nói như giới truyền thông, Tổng thống Putin đã ghi một bàn thắng quan trọng cho chính sách ngoại giao của Nga.

Nhìn xuống phía Nam, Bắc Kinh cũng đạt được thành công tương tự. Chính phủ các nước Brazil, Peru và Chile đã bắt đầu mua và phân phối vaccine CoronaVac do Hãng dược Sinopharm sản xuất để tiêm chủng cho người dân. Tuần rồi, Mexico đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Hãng CanSino (Trung Quốc).

Mỹ đứng bên lề

Tổng thống Mexico Obrador từng lên tiếng yều cầu Tổng thống Joe Biden “tiếp viện” vaccine, song bất thành bởi nhà lãnh đạo Mỹ ưu tiên vaccine cho người dân trong nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard lưu ý rằng nước này đang muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với những cường quốc như Trung Quốc, Nga và đây có thể là cơ hội lý tưởng. Nếu Tổng thống Putin đồng ý thăm Mexico, việc hai nước này xích lại gần nhau hơn có thể sẽ củng cố sự hiện diện của Mát-xcơ-va tại Mỹ Latinh, khu vực từng được coi là “sân sau” của Washington. Đó cũng sẽ là đòn nặng nề giáng vào quan hệ Mexico - Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn đang tiêu thụ tới 80% tổng lượng hàng xuất khẩu của quốc gia láng giềng.

Tính trên toàn cầu, đến nay 26 quốc gia đã phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, bao gồm 6 nước tại Mỹ Latinh.

Ngày 17-2, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, cho tới nay 10 quốc gia đã sở hữu 75% số liều vaccine hiện có của thế giới, trong khi 130 nước vẫn chưa nhận được liều nào. Qua đó, ông Guterres kêu gọi phải có kế hoạch tiêm vaccine toàn cầu khẩn cấp, đồng thời đề xuất các nền kinh tế lớn trong Nhóm G20 thành lập lực lượng đặc nhiệm để vạch ra một kế hoạch và phối hợp thực hiện. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh vào thời điểm quan trọng này, sự công bằng về vaccine là “bài kiểm tra đạo đức lớn nhất” trước cộng đồng toàn cầu. Tính đến chiều 18-2, thế giới đã ghi nhận hơn 110 triệu ca nhiễm COVID-19 với gần 2,5 triệu người tử vong.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết