11/06/2019 - 19:39

Chi tiêu quân sự Trung Quốc gợn sóng Thái Bình Dương 

Với nguồn ngân sách quốc phòng đứng thứ hai thế giới, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân nhằm có thể bao quát toàn cầu. Quy mô quân sự của Bắc Kinh đang “kích thích” một số nước châu Á-Thái Bình Dương cải tiến năng lực quốc phòng, thậm chí trang bị các loại phương tiện tác chiến bị đánh giá là không cần thiết. 

Tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh:  Reuters

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những thị trường mua bán vũ khí phát triển nhanh nhất thế giới. Nhờ sự tăng trưởng về kinh tế, tình trạng tranh chấp lãnh thổ cùng với kế hoạch hiện đại hóa quân sự dài hơn, chi tiêu dành cho quốc phòng của khu vực này trong năm 2018 đạt mức 392 tỉ USD, tăng 52% so với thập kỷ trước.

Đáng chú ý là chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Quốc chiếm 64% mức chi tiêu quân sự của toàn khu vực. Với ngân sách dành cho quốc phòng chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc đang tạo ra một lực lượng hải quân có thể được triển khai khắp toàn cầu và phát triển các chương trình máy bay không người lái tiên tiến, được trang bị hệ thống vũ khí được chế tạo theo đơn đặt hàng.

Mức đầu tư “khủng” vào quốc phòng của Trung Quốc khiến một số quốc gia trong khu vực phải tăng cường lực lượng vũ trang, mua sắm nhiều tàu ngầm, thiết bị không người lái và máy bay chiến đấu từ nước ngoài. Đặc biệt, có nhiều loại thiết bị vũ trang hạng nặng được cho là không cần thiết. Chẳng hạn, Thái Lan đã mua một tàu sân bay mà không có chiến đấu cơ nào trên đó, Indonesia thì dành tới 17% ngân sách quân sự để mua 11 chiến đấu cơ Su-35 của Nga, trong khi Malaysia đặt mua 2 tàu ngầm của Pháp mà chưa nắm rõ cách thức hoạt động.  Mới đây, Singapore đã tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên trong số 4 tàu ngầm Type 218 tiên tiến được đặt hàng từ Đức. Hiện đảo quốc sư tử đang đầu tư phát triển hệ thống tự hành, có thể vận hành tàu khu trục với 100 thủy thủ, ít hơn 50 người so với thiết kế ban đầu. Còn Philippines đang đàm phán việc đóng tàu ngầm với các nhà thầu xây dựng Nga. Được biết, châu Á và Úc có tổng cộng 245 tàu ngầm, chiếm khoảng 45% hạm đội tàu ngầm toàn cầu. 

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La mới đây, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ca ngợi những tiến bộ của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự, cho rằng điều này “rất quan trọng trong việc răn đe và đánh bại các mối đe dọa trong tương lai”. Ông Shanahan gợi ý, bất kỳ đối tác nào cũng có thể tiếp cận những công nghệ đó bằng cách gia nhập vào mạng lưới quốc phòng của Mỹ. Ông này kêu gọi các đồng minh châu Á tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực. 

TRÍ VĂN (Theo SCMP, Reuters)

Chia sẻ bài viết