30/08/2019 - 10:53

Chỉ robot luồn lách trong não chữa đột quỵ 

Các kỹ sư robot tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ) vừa chế tạo một robot mảnh như sợi chỉ, có thể luồn lách trong những huyết mạch cực kỳ hẹp và quanh co của não người (ảnh). Robot mới này một ngày không xa có thể được sử dụng để nhanh chóng xóa tan huyết khối hay cục máu đông vốn gây đột quỵ và phình động mạch.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, nhưng nếu được khơi thông mạch máu trong vòng 90 phút sẽ giúp gia tăng đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải rất khéo léo để tiến hành đặt ống thông hoặc phẫu thuật lấy cục máu đông. Sợi robot do các kỹ sư MIT chế tạo có lõi hợp kim niken-titan uốn dẻo, được phủ một lớp cao su dính các hạt từ tính và bao bọc bởi một lớp hydrogel. Cấu tạo này cho phép robot dễ dàng di chuyển trong mạch máu mà không tạo ra bất kỳ sự ma sát nào có thể gây tổn thương.

Robot đã được thử nghiệm khả năng luồn lách trong một vật thể có đường ống xoắn, hẹp và được điều hướng bởi một nam châm mạnh, có thể vận hành ở khoảng cách đủ để dùng bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Các kỹ sư cũng chế tạo một bản sao kích thước thật của mạch máu não và thấy rằng robot không chỉ dễ dàng đi qua đó mà còn có khả năng mở rộng mạch máu bằng các công cụ hỗ trợ giống như cơ chế đưa thuốc làm tan cục máu đông. Họ thậm chí đã thay thế thành công lõi kim loại của robot bằng cáp quang, để một khi đến đích, nó có thể cung cấp các xung laser mạnh để giúp loại bỏ cục máu đông.

Theo nhóm nghiên cứu, robot không chỉ giúp rút ngắn quá trình xử trí đột quỵ mà còn hạn chế mức độ tiếp xúc với bức xạ mà các bác sĩ phẫu thuật thường đối mặt khi điều trị cho bệnh nhân. Thay vì vận hành nam châm theo cách thủ công, các kỹ sư cũng đang chế tạo máy điều hướng nam châm nhằm cải thiện độ chính xác khi điều khiển robot.

     HOÀNG ĐIỂU (Theo Gizmodo, Telegraph)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
đột quỵ