29/11/2021 - 08:00

Chỉ đạo phát triển nông nghiệp bền vững 

Những năm qua, hệ thống chính trị huyện Thới Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mặc dù vậy, kinh tế nông nghiệp huyện vẫn còn nhiều hạn chế, như: chất lượng hàng nông sản chưa cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất chưa nhiều… Tại hội thảo “Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững” do Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy tổ chức vừa qua, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững.

Kết quả bước đầu

Nông dân xã Trường Xuân B trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Trường Xuân B trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Thới Lai có 23.268ha đất nông nghiệp; trong đó, 18.969ha trồng lúa, còn lại trồng rau màu, vườn và nuôi thủy sản. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, như: quy hoạch đất đai, tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đưa giống mới có chất lượng cao vào sản xuất... Đồng thời, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2015-2020, BTV Huyện ủy chỉ đạo thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo đúng định hướng, mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, luân canh lúa màu, tăng diện tích trồng màu; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung và an toàn; đầu tư 303 tỉ đồng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đến nay, kinh tế nông nghiệp của huyện có bước phát triển tích cực, đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Năm 2021, nhân dân trong huyện đã gieo trồng hơn 55.000ha lúa, trong đó có trên 80% lúa chất lượng xuất khẩu, lợi nhuận bảo đảm đạt trên 30%; gieo trồng 2.208ha rau màu, lợi nhuận mỗi héc-ta được 25-40 triệu đồng/vụ; chăm sóc và cải tạo 2.392ha vườn, doanh thu bình quân mỗi héc-ta được 200-800 triệu đồng. Kết quả nổi bật nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp huyện là đã hình thành mô hình cánh đồng lớn, 50ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn nông sản sạch; hình thành các vùng cây ăn trái chủ lực: sầu riêng, na thái, nhãn IDO, thanh long ruột đỏ, thanh nhãn…

Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại hội thảo “Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững” huyện Thới Lai do BTV Huyện ủy tổ chức vừa qua, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. TS. Dương Hoàng Sơn, Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: BTV Huyện ủy Thới Lai cần chỉ đạo mỗi xã xác định được cây trồng, vật nuôi có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân; liên kết với các viện, trường chuyển giao nhanh kỹ thuật, cây con giống mới để nâng cao giá trị trong sản xuất…

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đề xuất: BTV Huyện ủy Thới Lai chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, các vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch, vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất; đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm…

Về phía đơn vị sản xuất, ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát (xã Tân Thạnh), bày tỏ mong muốn: “Lãnh đạo huyện và thành phố có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín; đầu tư kho chứa, kho chứa đông cho hợp tác xã và nhà lưới cho nhà vườn, nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản”. Ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cũng đề nghị: BTV Huyện ủy cần chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ ở nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và trạm bơm điện…

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, đã ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, khẳng định sẽ bổ sung vào giải pháp chỉ đạo để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

Chia sẻ bài viết