02/02/2025 - 10:10

Chạy đua tích hợp AI vào vũ khí 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng thay đổi nhiều khía cạnh của xã hội như kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông vận tải... Đặc biệt, công nghệ này cũng tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp quốc phòng, thu hút nhiều nước tham gia cuộc đua sản xuất vũ khí tích hợp AI.

Cuộc đua của các “ông lớn”

Hiện ít nhất 50 quốc gia đang nghiên cứu tích hợp AI vào khí tài quân sự. Trong đó, cuộc đua của 3 “ông lớn” Mỹ, Trung Quốc và Nga diễn ra hết sức quyết liệt. Cả Washington, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đều dồn nguồn lực vào việc tìm cách đưa AI vào vũ khí, qua đó làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến do máy móc thực hiện, tự chọn và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người.

Chiến đấu cơ tự động X-62A VISTA được AI hỗ trợ trong đợt thử nghiệm của Không quân Mỹ hồi tháng 5-2024. Ảnh: AFP

Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chương trình Replicator nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong công nghệ không người lái và duy trì ưu thế quân sự của nước này. Không quân Mỹ được cho đang bí mật triển khai chương trình mang tên Nâng cấp Không chiến (ACE), trong đó khoảng 1.000 máy bay không người lái (UAV) tích hợp AI phối hợp hoạt động cùng 200 máy bay được điều khiển. Trong một bước tiến, Không quân Mỹ hồi tháng 5-2024 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm lịch sử trên chiến đấu cơ tự động X-62A VISTA do AI hỗ trợ. Trong chuyến bay kéo dài khoảng 1 tiếng này, mọi hoạt động của X-62A VISTA đều do AI điều khiển.

Trong khi đó, Trung Quốc mỗi năm đầu tư nhiều tỉ USD cho công nghệ AI nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về AI cũng như ứng dụng AI vào phát triển khí tài. Bắc Kinh đang theo đuổi phát triển nhiều loại vũ khí tích hợp AI như xe tăng, tàu ngầm, tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom hay UAV. Trung Quốc tuyên bố đang phát triển hệ thống “AI không chiến thông minh”, có thể sử dụng từ ngữ, trực quan hóa dữ liệu, thậm chí cả biểu đồ để làm sáng tỏ lý do vì sao nó đưa ra hướng dẫn tác chiến theo cách nào đó. Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm không chiến “một đấu một” giữa cặp UAV cánh cố định. Trong đó, một chiếc do phi công AI điều khiển, chiếc còn lại do con người điều khiển từ mặt đất. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong các điều kiện thực chiến. Kết quả là phi công AI cho thấy khả năng vượt trội, liên tục lấn lướt đối phương do con người điều khiển.

Về phần mình, Nga không giấu tham vọng tăng cường tự động hóa các loại vũ khí và thiết bị lâu nay do con người vận hành. Theo đó, Mát-xcơ-va đang phát triển tính năng AI trên chiến đấu cơ Su-57, hay còn gọi là phi công ảo, có thể cho phép nó thực hiện hầu hết các nhiệm vụ mà không cần phi công thật trong buồng lái. Thật ra, việc nghiên cứu tích hợp AI vào vũ khí của Nga bắt đầu từ khá sớm. Năm 2022, Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập bộ phận nghiên cứu vũ khí tích hợp AI để tăng cường sử dụng công nghệ này và phát triển các thiết bị đặc biệt, bởi Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng trong kỷ nguyên mới, bên nào làm chủ được công nghệ thông tin và AI thì bên đó sẽ có sức mạnh “thống trị” được thế giới.

Lợi bất cập hại

Sở dĩ hàng loạt nước tham gia cuộc đua nói trên là bởi việc tích hợp AI vào các hệ thống vũ khí không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn tạo ra các mô hình tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại. Theo đó, chúng có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực, cho phép chúng xác định, theo dõi và tấn công mục tiêu với độ chính xác và tốc độ chưa từng có, nhờ đó người chỉ huy đưa ra quyết định nhanh chóng hơn.

Sự ra đời của “Robot giết người” khiến nhiều chuyên gia lo ngại công nghệ dẫn tới chiến tranh. Ảnh: Shutterstock

Các loại vũ khí được tích hợp AI cũng có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người. Chẳng hạn, các UAV tự động có thể phối hợp tác chiến với nhau, tự động nhận diện và tiêu diệt mục tiêu trên chiến trường, qua đó không chỉ giảm thiểu nguy cơ thương vong cho binh sĩ mà còn giúp tăng cường hiệu quả của các chiến dịch quân sự. Do đó, giới phân tích cho rằng vũ khí được tích hợp AI không chỉ làm thay đổi cục diện các cuộc chiến trong tương lai mà còn tạo ra những tác động mới đến tình hình an ninh quốc tế hiện nay.

Song, việc tích hợp AI vào vũ khí đang gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là về đạo đức, bởi AI có thể ra quyết định tấn công mà không cần đến sự điều khiển của con người, dẫn đến những tình huống thương vong không mong muốn. Chưa kể, loại vũ khí này nếu rơi vào tay những kẻ khủng bố sẽ rất nguy hiểm.

Đáng lo ngại, AI còn có thể tạo ra rủi ro về mặt an ninh mạng, bởi các hệ thống quân sự tích hợp AI có thể bị tấn công hoặc xâm nhập, làm gián đoạn hoạt động của quân đội hoặc thậm chí biến vũ khí tự động thành mối đe dọa đối với tổ chức hay quốc gia sở hữu chúng.

Tổ chức Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ) nhận định, AI và các công nghệ mới khác, như tên lửa siêu vượt âm, có thể “xóa mờ sự khác biệt giữa một cuộc tấn công thông thường và hạt nhân”. Theo họ, cuộc cạnh tranh để phát triển các công nghệ mới nổi cho mục đích quân sự đã tăng tốc với tốc độ nhanh hơn nhiều so với nỗ lực đánh giá những mối nguy hiểm mà chúng gây ra.

Do vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi ban hành các quy định nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng vũ khí tích hợp AI. Chẳng hạn, khoảng 30 quốc gia và các tổ chức nhân đạo đã đề nghị cho ra đời một hiệp ước cấm vũ khí tự động trước khi chúng có thể được triển khai, trong khi một nhóm gồm hơn 250 tổ chức phi chính phủ đã thành lập Chiến dịch Ngăn chặn Robot sát thủ, cũng yêu cầu cấm vũ khí tự động. 

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết