Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Vũ trụ Roscosmos của Nga vừa ký bản ghi nhớ cùng nhau phát triển trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng, trong khi Nhật công bố ngân sách “khủng” cho sứ mệnh tương tự.

Giới chức Trung Quốc tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Nga nghiên cứu Mặt trăng. Ảnh: China Daily
Theo bản ghi nhớ, các cơ quan vũ trụ của Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác thông qua dự án trên, mở trạm nghiên cứu cho tất cả các nước quan tâm và đối tác quốc tế. CNSA cho biết trạm sẽ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học đa ngành trên bề mặt Mặt trăng hoặc trong quỹ đạo hành tinh vốn cách Trái đất hơn 386.000km. Các hoạt động này bao gồm khai thác và tối ưu hóa Mặt trăng, quan sát từ “chị Hằng”, thử nghiệm khoa học cơ bản và xác minh công nghệ. Giới chuyên gia gọi đây là dự án hợp tác vũ trụ quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh. Cuối năm ngoái, tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã mang thành công đất đá từ Mặt trăng về Trái đất, trở thành nước thứ ba làm được điều này sau Mỹ và Liên Xô trong thập niên 1970.
Đối với Nga, cái bắt tay xây trạm nghiên cứu khoa học diễn ra ở thời điểm nước này đang nỗ lực hiện đại hóa ngành hàng không vũ trụ để chạy đua với các đối thủ, đặc biệt là Mỹ. Dù là quốc gia đầu tiên đưa người lên trên vũ trụ (nhà du hành Yuri Gagarin hồi tháng 4-1961) song ngành hàng không vũ trụ xứ bạch dương lại đang tụt hậu hơn so với Mỹ và thậm chí là Trung Quốc trong công cuộc khám phá Mặt trăng, sao Hỏa. Được biết, ngân sách dành cho chương trình vũ trụ của Nga hiện đứng thứ ba trên toàn cầu, xếp sau Mỹ và Trung Quốc.
Không chấp nhận đứng ngoài cuộc đua vũ trụ đang nóng trở lại trên toàn cầu, Hạ viện Nhật Bản vừa phê duyệt dự thảo ngân sách vũ trụ năm 2021 ở mức kỷ lục 4,14 tỉ USD, tăng 23,1% so với ngân sách của tài khóa hiện nay, kết thúc vào ngày 30-3 tới. Trong đó, 472 triệu USD sẽ được phân bổ cho Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản để tổ chức này tham gia vào sứ mệnh khám phá Mặt trăng mang tên Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, 173 triệu USD dành cho dự án phát triển cũng như nâng cấp tên lửa đẩy H3 và 734 triệu USD rót vào chương trình vệ tinh thu thập thông tin.
Tokyo còn dự định mở rộng Lực lượng tác chiến vũ trụ, bao gồm giao phó thêm nhiệm vụ lên kế hoạch và thực thi các hoạt động ngoài vũ trụ cũng như nâng từ 20 thành viên hiện nay lên thành 70, thậm chí là 100 người từ năm 2023. Lực lượng tác chiến vũ trụ được thành lập hồi tháng 5-2020 với nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật và giám sát rác vũ trụ cũng như các vệ tinh nhân tạo khả nghi có nguy cơ gây hại tới lợi ích của nước này.
Pháp lần đầu tập trận ngoài vũ trụ
Pháp đang bắt đầu tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên không gian vũ trụ với bí danh “AsterX” để kiểm chứng năng lực bảo vệ các vệ tinh của nước này. AsterX diễn ra từ ngày 8 đến 12-3. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mới được thành lập của Pháp, Michel Friedling, gọi AsterX là “bài kiểm tra bắt buộc đối với các hệ thống của chúng tôi” và đây là cuộc tập trận đầu tiên của quân đội Pháp, thậm chí là lần đầu tiên ở châu Âu. Động thái của Paris được đánh giá là dấu hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc thế giới trên quỹ đạo Trái đất.
Pháp thành lập Bộ Chỉ huy Không gian trong năm 2019 và đặt mục tiêu nâng tổng số nhân viên lên 500 người vào năm 2025. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này có kế hoạch phát triển các vũ khí laser chống vệ tinh cũng như năng lực do thám mới nhằm thu hẹp khoảng cách với các đối thủ như Trung Quốc, Nga và Mỹ.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)