04/06/2022 - 19:55

Châu Phi “yên tâm” về lời hứa của Nga 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3-6 đã tiếp Tổng thống Senegal Macky Sall, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), tại dinh thự của ông ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và việc nguồn cung cấp ngũ cốc bị kẹt ở các cảng của Ukraine.

Tổng thống Senegal Macky Sall (giữa), Chủ tịch luân phiên AU, có niềm tin vào lời hứa của ông Putin tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi. Ảnh: AP

Tổng thống Senegal Macky Sall (giữa), Chủ tịch luân phiên AU, có niềm tin vào lời hứa của ông Putin tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi. Ảnh: AP

Sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ, ông Sall nói: “Tôi nhận thấy Tổng thống Vladimir Putin đã nhận thức được cuộc khủng hoảng và các lệnh trừng phạt tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các nền kinh tế yếu kém, chẳng hạn như các nền kinh tế châu Phi”. Nhà lãnh đạo Senegal cho biết ông “rất yên tâm và rất vui về các cuộc trao đổi” với Tổng thống Nga. Theo ông Sall, Tổng thống Putin khẳng định “có một số cách để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hoặc thông qua cảng Odessa ở Biển Đen, điều rất khó khăn vì Ukraine phải rà phá thủy lôi” hoặc qua cảng Mariupol do Nga kiểm soát trên Biển Azov. Ngoài cam kết tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, ông Putin đồng thời hứa với Tổng thống Senegal rằng Nga sẵn sàng đảm bảo xuất khẩu lúa mì và phân bón cho châu Phi.

Sự phụ thuộc của châu Phi

Châu Phi phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine nhưng đã bị đứt gãy do cuộc chiến giữa hai nước này. Thiếu hụt lương thực và giá cả tăng cao tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại lục địa đen. Liên Hiệp Quốc cảnh báo châu Phi sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng “chưa từng có” do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra. Giai đoạn 2018-2020, châu Phi nhập khẩu 44% lúa mì từ Nga và Ukraine. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, giá lúa mì đã tăng khoảng 45% do nguồn cung bị gián đoạn. Không chỉ lúa mì mà phân bón, dầu ăn, nhiên liệu và các loại thực phẩm khác đều tăng chóng mặt.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30-5 cho biết nước này không thể xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc trong kho do Nga kiểm soát các cảng của Ukraine trên Biển Azov cũng như phong tỏa các cảng khác trên Biển Đen. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala thì cho hay Ukraine có khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc trong kho và 25 triệu tấn nữa sắp được thu hoạch. Ukraine còn là nước xuất khẩu dầu hướng dương chính yếu. Nga lại là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và một trong những nhà cung cấp phân bón chủ chốt cho thị trường thế giới.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Mát-xcơ-va vì cuộc xung đột ở Ukraine, điều thúc đẩy Nga tìm kiếm thị trường mới và tăng cường quan hệ với các nước châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Mát-xcơ-va xuất khẩu ngũ cốc cho thị trường quốc tế và gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu hiện nay. Dù lương thực và phân bón được miễn trừ cấm vận, nhưng lệnh trừng phạt của phương Tây lại nhắm vào các tàu vận tải Nga và quốc tế khiến họ không dám nhận vận chuyển hàng hóa. Tổng thống Senegal Macky Sall tuyên bố ông cũng nhận thấy điều “tréo ngoe” đó và ủng hộ lời kêu gọi của Nga là phương Tây phải dỡ bỏ lệnh cấm vận chống lại Mát-xcơ-va.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đã khẳng định họ sẽ không xem xét yêu cầu của Nga và cáo buộc nước này ngăn chặn Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển.

Tìm các tuyến đường cho ngũ cốc

Phát biểu trên truyền hình quốc gia Nga ngày 3-6, ông Putin đã bác bỏ cáo buộc Mát-xcơ-va ngăn xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng của Ukraine và cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là chuyển hàng qua Belarus, miễn là các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này được dỡ bỏ. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định thông tin về lệnh cấm xuất khẩu của Nga là không đúng và Mát-xcơ-va đang bị đổ oan về các vấn đề trên thị trường lương thực toàn cầu. “Nếu muốn giải quyết vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cách dễ nhất và rẻ nhất là thông qua Belarus. Không ai ngăn cản điều đó… nhưng cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Belarus”, ông Putin nói.

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng cho biết ông sẵn sàng cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine đến các cảng của Đức, Ba Lan và vùng Baltic thông qua lãnh thổ của nước này, nếu như hàng hóa của họ cũng được xuất khẩu theo. Ngoài Belarus, ông Putin còn đề xuất vài hành lang an toàn cho phép tàu vận tải nước ngoài xuất bến tại các cảng của Ukraine trên Biển Đen và các cảng của Kiev do Mát-xcơ-va kiểm soát trên Biển Azov sau khi rà phá thủy lôi. Ông Putin cũng cho rằng Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc bằng tàu hỏa qua Romania, Hungary hoặc Ba Lan, dù các tuyến đường này gặp vấn đề kỹ thuật do hệ thống đường sắt không tương thích nên mất nhiều thời gian, chi phí.

Viết trên Twitter hôm 3-6, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này sẵn sàng tạo điều kiện cần thiết để nối lại xuất khẩu qua cảng lớn nhất Odessa, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để phải đảm bảo Nga không lợi dụng tuyến đường thương mại này để tấn công thành phố Odessa.

LHQ đánh giá có khoảng 1,5 tỉ người trên thế giới hiện cần nguồn thực phẩm và phân bón đang bị mắc kẹt bởi cuộc chiến Nga - Ukraine, trong đó hàng chục triệu người châu Phi trước nguy cơ bị đói.  Ông Martin Griffiths, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, đang có chuyến công du Nga thảo luận về vấn đề xuất khẩu lương thực. Người phát ngôn LHQ  hôm 3-6 cho biết ông Griffiths đã có các cuộc thảo luận “chân thành và xây dựng” với giới chức Nga về việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Châu PhiNga