26/09/2020 - 08:54

Châu Phi quyết tìm ghế thường trực HĐBA 

Nhiều năm qua, châu Phi đã thúc đẩy việc cải tổ cơ cấu hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (HÐBA LHQ) để có ít nhất 2 đại diện thường trực tại tổ chức này.

Quang cảnh một phiên họp của HĐBA.

Quang cảnh một phiên họp của HĐBA.

Ðược biết, HÐBA chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và có 15 nước thành viên, trong đó 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết - gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga. Trong cấu trúc tại LHQ, Ðại Hội đồng là diễn đàn tranh luận lớn nhưng các nghị quyết của cơ quan này lại không mang tính ràng buộc. Ngược lại, các quyết định của HÐBA lại có giá trị ràng buộc đối với tất cả thành viên. Do vậy, quyền lực thực sự trong hệ thống LHQ được trao cho HÐBA.

Song, đối với nhiều nước châu Phi, cơ cấu của HÐBA hiện đã lỗi thời. Nói cách khác, cơ quan này phản ánh cán cân quyền lực vào cuối Thế chiến thứ hai. Hơn nữa, HÐBA được thành lập khi hầu hết quốc gia châu Phi đều nằm dưới chế độ thuộc địa. Nhưng ngày nay, lục địa đen gồm 54 quốc gia độc lập và có dân số hơn 1,2 tỉ người.

Mặt khác, ngày càng nhiều vấn đề thảo luận tại HÐBA dính đến châu Phi, nhưng những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới lục địa này lại không được coi trọng như các vấn đề diễn ra tại Trung Ðông và Ðông Âu. Và mặc dù LHQ đang triển khai nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở châu Phi, nhưng lục địa đen lại có rất ít hoặc không có tiếng nói đối với những hoạt động này.

Hiện Nam Phi là nước dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy dân chủ hóa HÐBA. Tại phiên họp cấp cao hôm 22-9, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã nhắc lại lập trường của Nam Phi về việc cải tổ cơ cấu HÐBA để phản ánh tình hình quốc tế hiện thời. “Thành phần hiện tại của HÐBA không phản ánh thế giới mà chúng ta đang sống” - ông Ramaphosa phát biểu.

Trước đó, các lãnh đạo châu Phi khác như Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đều kêu gọi thay đổi thành phần của HÐBA LHQ.

NG. CÁT (Theo Face2Face Africa)

Chia sẻ bài viết