09/09/2023 - 23:01

Châu Phi giữa cuộc đua toàn cầu về khoáng sản 

MAI QUYÊN (Theo Bradley, SCMP)

Bất ổn chính trị lan rộng đang làm phức tạp thêm tình hình an ninh ở châu Phi, đặc biệt giữa lúc khu vực rơi vào tâm điểm cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc muốn kiểm soát tài nguyên giá trị trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc đối đầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Nam Phi hồi tháng 8. Ảnh: fmprc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Nam Phi hồi tháng 8. Ảnh: fmprc

Theo nghiên cứu của Quỹ Khí hậu châu Phi, khu vực đang sở hữu lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ. Chẳng hạn như CHDC Congo, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nhưng nắm giữ 70% lượng coban toàn cầu; trong khi đó 80% trữ lượng bạch kim và mangan đang nằm tại Nam Phi và Zimbabwe. Hay như Gabon, quốc gia hiện rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính ngày 30-8, có trữ lượng mangan lớn thứ 2 thế giới. Ngoài những khoáng sản phổ biến, châu Phi còn sở hữu 30% trữ lượng kim loại chiến lược cho quá trình điện khí hóa và chuyển đổi xanh, ví dụ như lithium. Đây là thành phần quan trọng để sản xuất pin xe điện và từ năm 2021, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu mở rộng tìm kiếm lithium tại Zimbabwe.

Cho tới nay, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất trong lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi với ngân sách đầu tư hàng tỉ USD thông qua Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Nước này cũng là bên nhập khẩu khoáng sản hàng đầu, chỉ tính riêng năm 2022, Bắc Kinh đã nhập 10 tỉ USD đất hiếm từ lục địa đen. Không chỉ thống trị lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi, Trung Quốc còn là nước xử lý nhiều loại khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới, bao gồm những thành phần sử dụng trong pin xe điện. Theo ước tính, Trung Quốc tinh chế 68% niken, 40% đồng, 59% lithium và 73% coban cho toàn cầu.

Đối với nhiều nước châu Phi, Trung Quốc được xem là đối tác không thể thiếu cho hoạt động khai thác mỏ. Không chỉ vì ngân sách khổng lồ, nguyên nhân còn ở chiến lược tự do kinh doanh của Bắc Kinh vốn không đi kèm với bất kỳ ràng buộc như giám sát nhân quyền hay tính bền vững mà các dự án phương Tây yêu cầu. Vì lẽ này, nhà nghiên cứu Lauren Johnson tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi nói rằng Trung Quốc ít bị giới hạn trong khả năng tiếp cận châu Phi. 

Theo nghiên cứu của Vụ Khảo cứu Quốc hội của Mỹ, nước này phụ thuộc 100% vào nhập khẩu đối với 14 khoáng sản trong danh sách tài nguyên quan trọng và hơn 75% đối với 10 loại khác. Nhưng tại châu Phi, vị thế của Mỹ đang kém hơn Trung Quốc sau nhiều năm lơ là và nghiêm ngặt trong kiểm soát đầu tư. Để giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc tại thị trường châu Phi, Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021 đã có những nỗ lực đáng kể nhằm tăng cường quan hệ đối tác kinh tế - chính trị với lục địa đen thông qua các chuyến thăm cấp nhà nước và cam kết đầu tư 55 tỉ USD vào châu Phi trong 3 năm tới. Năm ngoái, Mỹ ký một biên bản ghi nhớ với Zambia và CHDC Congo để xây dựng chuỗi cung ứng pin xe điện. Washington cũng hợp tác với Tanzania trong dự án thành lập cơ sở tinh chế niken cấp pin xe điện cho Mỹ cũng như thị trường toàn cầu vào năm 2026.

Chính quyền Tổng thống Biden còn đưa ra sáng kiến Đối tác An ninh Khoáng sản tại các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên nhằm mở rộng chuỗi cung ứng nguyên liệu thô quan trọng cần cho quá trình chuyển đổi xanh. Chương trình này bao gồm những đối tác như Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh và Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu là xem xét các ưu tiên, thách thức cũng như cơ hội trong khai thác, xử lý các khoáng sản chiến lược một cách có trách nhiệm. Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Washington và các đồng minh sẵn sàng cung cấp bảo lãnh vay hoặc tài trợ bằng nợ cho các quốc gia có nguồn khoáng sản dồi dào dùng trong sản xuất pin xe điện, pin năng lượng mặt trời và turbine điện gió.

“Siêu ưu tiên” của EU và cách tiếp cận của Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng mạnh mẽ tuyên bố châu Phi là “siêu ưu tiên” của Brussels. Do đó, sau những khó khăn về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đai dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, châu Phi với nguồn tài nguyên dồi dào đang được Liên minh châu Âu (EU) coi là “chìa khóa” giúp khối tách khỏi Nga và giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc. Hướng tới mục tiêu trên, EU hồi tháng 3-2023 đã công bố khoản đầu tư hơn 50 triệu USD để thúc đẩy lĩnh vực khoáng sản quan trọng của CHDC Congo và các sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng khác liên quan. Đây là một phần trong ngân sách 300 tỉ USD của EU giúp các nước châu Phi thúc đẩy những hạng mục quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất. Tương lai gần, liên minh hy vọng đàm phán với những quốc gia khác trong khu vực Ngũ Hồ, đặc biệt là Rwanda, Uganda, Zambia và cả Tanzania. Mối lo ngại ở Brussels hiện nay là họ có thể gặp khó trong việc bắt kịp và cạnh tranh với các chương trình đầu tư không trói buộc của Trung Quốc. Tầm nhìn của EU đối với châu Phi gần đây cũng đang bị đe dọa bởi làn sóng đảo chính.

Về phần Nga, nước này những năm qua liên tục tăng cường quan hệ chính trị trên khắp châu Phi nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, nghiên cứu của Quỹ Khí hậu châu Phi lưu ý vai trò trên thực địa của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ, báo cáo cho biết Wagner sử dụng chiến thuật quân sự hỗ trợ các nước vướng xung đột để đổi lại những hợp đồng khai thác béo bở. Theo giới chuyên môn, Wagner đã có mặt ở Libya, Mozambique, Mali, Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Ở Mali, tổ chức này về cơ bản đã thay thế các lực lượng Pháp.

Giống như Trung Quốc, sự tham gia của Mỹ ở châu Phi sẽ bị Nga thách thức khi các bên tăng cường quan hệ ngoại giao nhằm tìm kiếm lợi ích về tài nguyên thiên nhiên. Điều đó cho thấy ngoài cạnh tranh địa chính trị, những tính toán kinh tế rộng hơn cũng đang được các cường quốc triển khai khi châu Phi được nhìn nhận như yếu tố quan trọng đối với tương lai kinh tế. Từ các sáng kiến ​​của châu Âu đến trò chơi quyền lực lớn giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, mối quan tâm dành cho lục địa đen được dự đoán tăng lên trong thập kỷ này, đặc biệt nếu các thị trường mới nổi của khu vực tiệm cận yêu cầu về năng lực kinh tế trong những năm tới.

Chia sẻ bài viết