18/03/2022 - 08:15

Châu Âu rộng tay đón người tị nạn Ukraine 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, swissinfo)

Châu Âu đang tiếp nhận dòng người chạy trốn cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, có sự tương phản sâu sắc trong cách đối xử của cựu lục địa với người tị nạn Ukraine và với những người cùng cảnh ngộ đến từ những cuộc xung đột khác.

Dân Hungary tặng thực phẩm cho những người tị nạn từ Ukraine. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine đang rất trầm trọng. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), hơn 3 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước kể từ khi chiến sự nổ ra hôm 24-2. Còn nhớ, phải mất 6 tháng để có 1 triệu người tị nạn rời khỏi Syria năm 2013, gần 2 năm sau khi nội chiến tại quốc gia Trung Ðông bùng phát. Hai cuộc xung đột này xảy ra ở những thời điểm và châu lục khác nhau, nhưng không như những người Syria di tản, dân Ukraine được chào đón nồng ấm hơn nhiều tại châu Âu.

Ðan Mạch vốn nổi tiếng về chính sách chống nhập cư thuộc hàng cứng rắn nhất châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ nước này lại sẵn sàng đón tiếp dân tị nạn Ukraine. Trong khi đó, quốc gia Bắc Âu này thậm chí đang thúc giục một số người tị nạn Syria tại đây hồi hương, bất chấp xung đột vẫn tiếp diễn ở đất nước họ.

Tương tự, vài ngày sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, khi được hỏi về khả năng tiếp nhận người tị nạn, cựu Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nói rõ không quốc gia châu Âu nào e ngại làn sóng di cư sắp ập đến. Ở Pháp, ứng viên tổng thống theo đường lối cực hữu Eric Zemmour thì cho rằng có thể chấp nhận việc đưa ra những quy tắc khác nhau đối với người tị nạn đến từ châu Âu và người đến từ các quốc gia Hồi giáo Arab. “Mọi người đều biết rằng người nhập cư Arab hoặc Hồi giáo ở quá xa chúng ta, nên rất khó để tiếp biến văn hóa và thấu hiểu họ. Trong khi đó, chúng ta gần gũi với người Cơ đốc giáo châu Âu hơn”, ông Zemmour lý giải. Còn theo học giả H.A. Hellyer tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, khác biệt trong cách đối xử với người tị nạn có thể là do Ukraine ở gần các nước tiếp nhận và việc phương Tây đánh giá Nga đang đe dọa an ninh châu Âu.

Theo báo cáo hồi năm 2021 của LHQ, trong số gần 7 triệu người Syria buộc phải đi lánh nạn, khoảng 1 triệu người sống tại châu Âu với 70% trong số này được Ðức và Thụy Ðiển “cưu mang”. Năm 2018, ở đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, các quốc gia Trung Âu đã quyết định phớt lờ hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) về nhập cư. Các quốc gia này trước đó cũng đã bác đề xuất từ những nước khác về việc mở cửa đón nhận một số lượng cụ thể người tị nạn. Nhưng hiện nay, các nước Trung Âu như Hungary và Slovakia đang tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine. Ba Lan, nơi tiếp nhận gần 2 triệu người từ Ukraine, hôm 16-3 đã bắt đầu cấp số định danh cho những người tị nạn để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội và phúc lợi cũng như dễ tìm việc làm hơn.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho rằng tiêu chuẩn kép dành cho người tị nạn từ Ukraine so với những người đồng cảnh ngộ trước đây đến từ Syria và những nơi khác là “nỗi lo lớn”. “Ba triệu người tị nạn Ukraine đã được cung cấp chỗ ở vô điều kiện và bảo vệ tại những quốc gia láng giềng trên khắp EU. Chúng tôi hy vọng sự đoàn kết và hỗ trợ này có thể mở rộng ra cho 84 triệu người buộc phải đi lánh nạn trên khắp thế giới”, UNHCR bày tỏ trong một tuyên bố.

Chia sẻ bài viết