21/11/2020 - 00:35

Châu Âu đứng trước “6 tháng khó khăn” 

Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cảnh báo 6 tháng tới của đại dịch COVID-19 sẽ “rất khó khăn”, nhưng ông tin “vẫn có ánh sáng cuối đường hầm”.

 Tiến sĩ Kluge cho rằng hiện chỉ khoảng 60% người dân châu Âu đeo khẩu trang. Ảnh: AFP

 Tiến sĩ Kluge cho rằng hiện chỉ khoảng 60% người dân châu Âu đeo khẩu trang. Ảnh: AFP​

Trong cuộc họp báo tại Ðan Mạch, Tiến sĩ Kluge cho biết châu Âu trong tuần qua đã ghi nhận hơn 29.000 ca tử vong mới do COVID-19. Tính đến nay, lục địa này ghi nhận hơn 15,7 triệu ca mắc COVID-19 với trên 354.000 người chết, chiếm 28% ca nhiễm toàn cầu và 26% ca tử vong.

Anh có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu với gần 54.000 ca, trong khi Pháp đứng đầu châu lục về số ca nhiễm với hơn 2,1 triệu người. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Verana cho rằng nước này đang lấy lại đà kiểm soát COVID-19, nhưng chưa sẵn sàng nới lỏng các biện pháp hạn chế. Dù số ca nhiễm hằng ngày đã thấp hơn, số bệnh nhân nhập viện lại lên mức cao kỷ lục. Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 1-12, nhưng có thể kéo dài thêm nếu tình hình không cải thiện đủ nhanh. Tại Ý, số trường hợp tử vong do COVID-19 trong tháng 11 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng rồi. Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo Giáng sinh năm nay sẽ rất khác, bởi sẽ không có những buổi tiệc lớn. Hệ thống y tế ở Thụy Sĩ và Pháp cũng đáng lo ngại bởi các khu chăm sóc đặc biệt tại đây hoạt động tới 95% công suất.

Tiến sĩ Kluge thừa nhận châu Âu lại trở thành tâm dịch cùng với Mỹ, khi số liệu mới nhất cho thấy cứ 17 giây lại có một người ở “lục địa già” chết vì COVID-19. Dù vậy, ông lạc quan về “ánh sáng cuối đường hầm”, ý nói những tiến triển trong nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Dữ liệu sơ bộ thử nghiệm 4 vaccine của các Hãng dược Oxford, Pfizer - BioNTech, Sputnik và Moderna cho thấy hiệu quả trên 90%. Ðiều này dấy lên hy vọng vaccine giúp kiểm soát đại dịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu President Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu có thể thông qua 2 vaccine vào cuối năm nay.

Mỹ ghi nhận hơn 2.200 ca tử vong/ngày

John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC), ngày 19-11 xác nhận châu Phi đã có hơn 2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời cảnh báo “lục địa đen” không thể tránh khỏi làn sóng lây nhiễm thứ 2. CDC cho rằng châu lục với 54 quốc gia này đã chứng kiến hơn 48.000 ca tử vong do COVID-19. Số ca nhiễm và tử vong ở châu Phi chiếm gần 4% tổng số toàn cầu. Nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm lên tới 6 chữ số. Nam Phi dẫn đầu với hơn 750.000 ca, trong khi Maroc có trên 300.000, Ai Cập hơn 110.000 và Ethiopia hơn 100.000.

Châu Phi với 1,3 tỉ dân được cảnh báo về “sự mệt mỏi trong phòng chống dịch” khi các nước tại đây nới lỏng các biện pháp hạn chế để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế và có thêm nhiều người du lịch. Trong khi thế giới đang hy vọng vào các vaccine COVID-19 tiềm năng, giới chức y tế châu Phi cũng lo sợ lục địa này sẽ bị ảnh hưởng khi các nước giàu hơn mua hết nguồn cung.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Mexico hôm 19-11 đã vượt 100.000, trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Ðộ, chạm mốc đáng buồn này. Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell xác nhận con số 100.104 người chết, chưa đầy một tuần sau khi nước này vượt 1 triệu ca nhiễm COVID-19. Theo phân tích của Hãng tin Reuters, đất nước 130 triệu dân này đã chiếm tới hơn 7% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới. Tỷ lệ chết vì COVID-19 tại Mexico lên tới gần 10%, cao nhất trong số những nước có hơn 1 triệu ca nhiễm.

Bộ Y tế Ấn Ðộ ngày 20-11 cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 9 triệu, sau khi ghi nhận thêm gần 46.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, đây là quốc gia thứ 2 trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt 9 triệu, sau Mỹ. Ấn Ðộ cũng đã có thêm 584 người chết, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên hơn 132.000.

Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận hơn 2.200 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, mức cao nhất kể từ tháng 5, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng trên cả nước. Tính đến chiều 20-11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ là hơn 12 triệu với trên 258.000 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày đều tăng kỷ lục, giới chức xứ cờ hoa đã kêu gọi người dân không nên đi lại trong dịp nghỉ Lễ Tạ ơn sắp tới.

California áp đặt lệnh giới nghiêm

Ngày 19-11, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, nhằm hạn chế tụ tập tại nhà cũng như các hoạt động ngoài trời. Lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 21/11 - 21/12 tại hầu hết các khu vực của bang California trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây đang tăng mạnh. Thống đốc Newsom cảnh báo tốc độ lây lan SARS-CoV-2 đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và vài tuần tới sẽ là giai đoạn quyết định bẻ ngoặt đường cong đi lên của dịch bệnh. “Chúng ta cần phải hành động để chặn đứng đà lây lan và giãn bớt các ca phải nhập viện trước khi tỷ lệ tử vong tăng lên… Chúng ta đã từng làm thế và cần phải lặp lại”, ông Newsom nói. California đứng thứ 2 ở Mỹ, sau Texas, về số ca mắc với 1.073.272 người.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết