04/03/2022 - 21:58

Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế kỷ 

Chiến sự nổ ra trên khắp Ukraine trong hơn tuần lễ qua đã buộc trên 1 triệu người phải rời khỏi đất nước. Cuộc di cư này được cho sẽ trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất châu Âu trong thế kỷ này, ngang bằng với số người tị nạn phải di dời khỏi Syria, Iraq và Afghanistan trước đây.

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi trong tuyên bố hôm 3-3 cho biết: “Tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp khẩn cấp về người tị nạn trong gần 40 năm qua nhưng hiếm khi tôi thấy một cuộc di cư nào nhanh chóng đến như vậy”. Ðược biết, phải mất 3 tháng để một triệu người tị nạn rời khỏi Syria vào năm 2013. Ông Grandi lo ngại rằng nếu giao tranh tiếp diễn thì có khoảng 4 triệu người, tức 10% dân số Ukraine, có thể phải rời bỏ nhà cửa trong những tuần tới, qua đó nhấn mạnh rằng “hòa bình là cách duy nhất để ngăn chặn thảm kịch này”.

Dòng người tị nạn Ukraine trên đường sang Ba Lan. Ảnh: Guardian

Nhiều hình ảnh và đoạn video cho thấy các ga xe lửa chật cứng người tị nạn trong khi nhiều tuyến đường đi qua các thị trấn biên giới bị người tị nạn “chiếm đóng”. Nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, bởi chính quyền Ukraine đã buộc nam giới từ 18-60 tuổi phải ở lại đất nước. Theo tờ Guardian, kể từ ngày 24-2, gần 548.000 người tị nạn Ukraine đã đến Ba Lan, 133.000 người chạy sang Hungary, 72.000 người tới Slovakia, hơn 51.000 người tới Romania và gần 98.000 người lánh nạn ở Moldova, quốc gia nghèo nhất châu Âu.

Trái ngược với những làn sóng di cư trước đây, các nước láng giềng như Ba Lan và Hungary đã mở cửa biên giới chào đón tất cả người dân Ukraine chạy trốn khỏi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra phản ứng một cách nhanh chóng và thống nhất. Vào cuối tuần này, các nước thành viên EU dự kiến sẽ kích hoạt “Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời” được ban hành hồi năm 2001 sau các cuộc chiến ở Nam Tư và Kosovo. Theo đó, người tị nạn Ukraine có quyền sống và làm việc tại khối gồm 27 quốc gia này trong tối đa 3 năm. Ngoài ra, họ cũng có thể làm việc, tiếp cận giáo dục và nhà ở mà không cần phải xin tị nạn.

Ðặc biệt, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ đã khởi động một hoạt động khẩn cấp để cung cấp thực phẩm hỗ trợ cho người dân Ukraine sống tại nước này và các nước láng giềng theo yêu cầu của Chính phủ Ukraine. Hiện WFP đang kêu gọi 570 triệu USD để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine.

Dự kiến, một lượng lớn người tị nạn sẽ tiếp tục đến các quốc gia châu Âu khác trong những tháng tới, khiến giới chức cảnh báo rằng dòng người tị nạn có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện. “Làn sóng người tị nạn mà cuộc chiến này sẽ tạo nên là không thể tưởng tượng được” - Ðại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield lo ngại.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet trong tuyên bố hôm 3-3 cho hay ngoài những người Ukraine đã rời khỏi đất nước, một triệu người khác đã phải tìm đường lánh nạn trong nước. Theo bà Bachelet, hàng ngàn người, gồm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em và người khuyết tật, đang bị buộc phải tập trung tại các hầm trú ẩn và ga tàu điện ngầm.

Ukraine tuyên bố khống chế đám cháy gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Ngày 4-3, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine thông báo đã dập tắt và khống chế được đám cháy ở gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Theo hãng tin AFP của Pháp, trong một tuyên bố, cơ quan trên xác nhận đám cháy ở tòa nhà đào tạo thuộc cơ sở Zaporizhzhia NPP ở thành phố Energodar đã được dập tắt. Không có nạn nhân nào trong vụ việc này. Trước đó vài giờ Ukraine thông báo cơ sở đào tạo 5 tầng của nhà máy điện hạt nhân này đã bốc cháy sau một hành động quân sự.

Trước đó cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng kêu gọi Nga và Ukraine không giao tranh tại khu vực gần nhà máy Zaporizhzhia, cảnh báo “đặc biệt nguy hiểm” nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này bị tổn hại.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết