20/03/2020 - 19:18

Châu Âu đang phải trả giá? 

Trong khi Trung Quốc tuyên bố đã kéo giảm tỷ lệ mắc mới SARS-CoV-2 xuống bằng 0, thì số ca nhiễm tại châu Âu lại tăng nhanh qua từng ngày. Làm thế nào mà COVID-19 hoành hành tại châu Âu dữ dội hơn Trung Quốc, nhất là khi nó bắt nguồn từ quốc gia châu Á, còn “lục địa già” lại có nhiều tuần cảnh báo dịch bệnh đang đến?

Theo giải thích của các chuyên gia, trong chừng mực nào đó dân châu Âu đang phải trả giá cho việc sống trong một xã hội mở và đầy đủ. Châu lục này là nơi người dân quen với việc đi lại tự do, dễ dàng và tự đưa ra quyết định. Đó cũng là nơi chính phủ các nước thường lo ngại về dư luận. Chính quyền tại đây không quen với việc ban hành những sắc lệnh nghiêm khắc, trong khi người dân cũng lạ lẫm chuyện tuân thủ các quy định như vậy.

Các bác sĩ chuyển một bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Rome, Ý. Ảnh: AP

Nỗ lực đầu tiên của châu Âu ngăn chặn dịch trên diện rộng có hiệu lực hôm 8-3. Chính phủ Ý tuy tiến hành phong tỏa vùng phía Bắc, bao gồm Milan, nhưng bị cho là lỏng lẻo hơn nhiều so với cách Bắc Kinh làm. Khi đó, quốc gia hình chiếc ủng đã có hơn 7.300 ca nhiễm COVID-19. Trong tuần sau đó, Tây Ban Nha và Pháp cũng ghi nhận số ca nhiễm tương tự và quyết định cấm tụ tập đông người trên toàn quốc.

Ngược lại, Trung Quốc hành động quyết liệt đến mức phương Tây phải giật mình. Bắc Kinh chấp nhận trả giá về kinh tế để ngăn chặn dịch, dù phải cách ly hàng chục triệu người, áp lệnh giới nghiêm với hàng trăm triệu người khác hay đóng cửa toàn bộ các ngành công nghiệp. “Trung Quốc sẵn sàng làm những điều không tưởng, huy động quân đội, cảnh sát, không cho người dân ra khỏi nhà, dùng máy bay không người lái giám sát, dựng rào chắn. Những biện pháp đang thực hiện ở châu Âu chỉ mới thực thi gần đây, không có biện pháp nào nghiêm khắc và toàn diện như ở Vũ Hán”- Tiến sĩ Arthur L. Reingold tại Đại học California (Mỹ) nhận xét.

Trung Quốc đánh mất vài tuần lễ quý giá ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, nhưng sau đó đã hành động khẩn trương và quyết đoán hơn châu Âu. Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa quy mô lớn đầu tiên đối với Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và các thành phố khác vào ngày 23-1, tức chưa đầy 1 tháng sau khi giới chức địa phương thừa nhận họ đang đối mặt với một tác nhân gây bệnh mới và gần 2 tuần sau khi virus chết người bị “điểm mặt”. Ở thời điểm Vũ Hán “đóng cửa”, trên thế giới (ngoài Trung Quốc) có chưa tới 600 ca nhiễm SARS-CoV-2. Nhà dịch tễ học Francois Balloux tại Đại học Luân Đôn (Anh) cho rằng một số biện pháp của Trung Quốc đã kiểm soát được dịch COVID-19, nhờ vậy thế giới có cơ hội để chuẩn bị nhưng lại phí phạm.

Vào lúc đỉnh điểm đầu tháng 2-2020, Trung Quốc công bố 3.000-4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ý giờ đây tăng còn nhanh hơn thế, trong khi cả châu Âu tăng trên 10.000 ca/ngày. Theo số liệu của hãng tin AFP tính đến sáng 20-3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại châu Âu đã vượt 100.000 trường hợp. Riêng số ca tử vong tại Ý đã bỏ khá xa Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Châu ÂuCOVID-19