27/10/2019 - 17:58

Châu Á thống lĩnh năng lượng gió 

Báo cáo  mang tên "Tương lai của gió" mới đây của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) nhận định, châu Á sẽ đi đầu thế giới  về lĩnh vực năng lượng gió trong vài thập kỷ tới và "thống trị" cả ngành công nghiệp điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi.

Một trạm điện gió trên bờ ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Vào thời điểm đó, tổng công suất điện gió trên bờ và ngoài khơi ở châu Á sẽ lần lượt chiếm một nửa và hơn 60% tổng công suất điện gió trên bờ và ngoài khơi trên toàn cầu. Trong đó, tổng công suất điện gió trên bờ tại khu vực chỉ từ mức 230 gigawatt (GW) năm 2018 sẽ đạt hơn 2.600 GW vào năm 2050.

IRENA dự đoán, Trung Quốc sẽ đi đầu trong lĩnh vực điện gió châu Á, với tổng công suất trên bờ và ngoài khơi là 2.525 GW, tiếp theo là Ấn Độ (443 GW), Hàn Quốc (78 GW) và Đông Nam Á (16 GW). "Vào giữa thế kỷ này, gió có thể đáp ứng 1/3 tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu, trở thành nguồn phát điện quan trọng vào năm 2050. Cùng với điện khí hóa, năng lượng gió sẽ giúp cắt giảm 25% lượng phát thải carbon, đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Và cùng với năng lượng Mặt trời (NLMT), năng lượng gió sẽ tạo ra sự chuyển đổi đối với ngành năng lượng toàn cầu" - trích thông cáo báo chí của IRENA. Song, để đạt được mục tiêu này, tổng công suất điện gió trên bờ và ngoài khơi sẽ cần tăng lần lượt 4 và 10 lần so với hiện nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng 50% trong 5 năm tới, đạt 1.200 GW nhờ sự trỗi dậy của NLMT. IEA phát hiện, các dự án NLMT, gió và thủy điện đang được xây dựng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 năm qua. Cơ quan này dự đoán vào năm 2024, công suất NLMT của thế giới sẽ đạt 600 GW. Hiện các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 26% nguồn điện thế giới nhưng IEA dự báo sẽ đạt 30% vào năm 2024.

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 10,7% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 theo Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi, trong đó đưa tổng công suất điện gió đạt khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW năm 2030. Hiện Việt Nam đã có 228 MW công suất điện gió được lắp đặt.

Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết công nghệ năng lượng tái tạo chi phí thấp như năng lượng gió là giải pháp "hiệu quả và tức thời" nhất để làm giảm lượng khí thải carbon. Ông cho rằng với nguồn năng lượng tái tạo, thế giới có khả năng chống chọi với tình trạng biến đổi khí hậu. "Lộ trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đến năm 2050 của chúng tôi cho thấy rất khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế trong việc đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững. Năng lượng gió không chỉ cho phép chúng ta đạt được các mục tiêu khí hậu mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững" - ông La Camera phấn khởi nói.

Thật vậy, báo cáo dự báo ngành công nghiệp năng lượng gió toàn cầu có thể trở thành một cỗ máy tạo ra việc làm thật sự. Theo dự báo, ngành năng lượng gió có thể tạo ra 3,7 triệu việc làm vào năm 2030 và hơn 6 triệu việc làm vào giữa thế kỷ này, lần lượt cao gấp 3 và 5 lần so với con số chỉ hơn 1 triệu việc làm trong lĩnh vực này năm 2018.      

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự tăng trưởng ngành công nghiệp năng lượng gió toàn cầu trong những thập kỷ tới, giới chuyên gia cho rằng quy mô đầu tư vào lĩnh vực này cần phải tăng. Theo đó, mức đầu tư toàn cầu hàng năm trong lĩnh vực điện gió trên bờ phải tăng từ 67 tỉ USD hiện nay lên 211 tỉ USD vào năm 2050. Còn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, mức đầu tư phải tăng từ 19 tỉ USD hiện tại lên 100 tỉ USD. Khi đó, giá điện gió trên bờ sẽ giảm chỉ còn 0,02-0,03 USD/kWh so với mức 0,06 USD/kWh năm 2018, còn giá điện gió ngoài khơi chỉ còn 0,03-0,07 USD/kWh so với 0,13 USD/kWh năm 2018.

TRÍ VĂN (Theo Channel News Asia, Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
năng lượng gió