21/11/2008 - 21:51

Cầu nối tình làng nghĩa xóm

Thời gian qua, khu vực 7, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ được đánh giá là một điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở ở phường. Rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, gia đình, đã được tháo gỡ từ sự nhiệt tâm, khéo léo của các thành viên trong tổ hòa giải. Những buổi phân xử thấu tình đạt lý của tổ đã giúp xóm làng sống yên vui, bà con xích lại gần nhau hơn, nhiều gia đình thêm hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Tấn Tỵ, Trưởng khu vực kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải khu vực 7, trong 11 khu vực thì khu vực 7 có nhiều vụ việc phải hòa giải nhất phường Hưng Phú. Đa số dân ở đây là thành phần lao động nghèo, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không khéo trong cách hành xử. Dân cư trong khu vực phần lớn nằm trong khu qui hoạch nên hay xảy ra tranh chấp đất đai. Tổ hòa giải là những người dân sống lâu năm ở đây, nắm sâu sát tình hình nên có những buổi nói chuyện rất thuyết phục, phân tích thiệt hơn để bà con đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất tình làng nghĩa xóm. Đối với từng vụ việc, tổ hòa giải cơ cấu đúng thành phần nên hòa giải rất hiệu quả. Chẳng hạn như hòa giải hôn nhân thì nhờ cán bộ hội phụ nữ tiếp; tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia tộc thì có đoàn thể Mặt trận đứng ra lèo lái; ẩu đả giữa thanh thiếu niên thì có đoàn thanh niên vận động hàn gắn; những vụ phức tạp hơn thì nhờ công an giải quyết...

Gần 10 năm làm công tác hòa giải, ông Tỵ nêu kinh nghiệm, không nên để mâu thuẫn bùng nổ thành tranh chấp mà phải biết cách dùng lý lẽ và tình cảm để khuyên can. Người hòa giải phải có cái tâm, thấy vụ việc phát sinh là nhào vào làm ngay, không ngại thiên hạ gièm pha “ăn cơm nhà, xía chuyện người ta”. Ông Tỵ cho biết: “Nguyên tắc hàng đầu của người làm công tác hòa giải là phải công tâm, không áp đặt, để các bên tự thỏa thuận”. Tổ chỉ giải thích đúng sai, chỉ ra hướng mở, để sau mâu thuẫn, hàng xóm vẫn còn qua lại với nhau. Các thành viên trong tổ quan niệm: “Cái tình là trên hết” nên bằng mọi cách luôn cố gắng giúp bà con giữ hòa khí. Khi người dân nộp đơn, tổ thẩm định đơn, họp tổ, phân công thành viên nắm tình hình, xác minh sự vụ, lên lịch giải quyết. Nếu 2 lần hòa giải không thành sẽ chuyển lên tòa, phần chuyển này đa số là đơn hôn nhân gia đình. Theo tổ hòa giải khu vực, những đơn thưa về tranh chấp hợp đồng dân sự thường có tỷ lệ thành công cao, riêng mảng hôn nhân gia đình thì phức tạp, tốn nhiều công sức nhưng lại khó hòa giải nhất. Năm 2006, khu vực tiếp nhận 8 đơn, trong đó 4 đơn xin ly hôn, 4 đơn tranh chấp đất đai, hòa giải thành 1 đơn hôn nhân, 3 đơn tranh chấp. Năm 2007, tổ nhận 10 đơn, hòa giải thành 7 đơn, chủ yếu tranh chấp ở cộng đồng dân cư. Từ đầu năm 2008 đến nay tiếp nhận 4 đơn, hòa giải thành 2 đơn: 1 ly hôn, 1 tranh chấp mua bán đất.

Các thành viên trong tổ hòa giải khu vực 7 thảo luận trước khi tổ chức hòa giải.  

Tổ hòa giải của khu vực hiện có 5 thành viên hoạt động thường xuyên, đều là cán bộ các ban ngành đoàn thể, có uy tín tại địa phương. Các thành viên rất ăn ý, trước mỗi lần tổ chức hòa giải thường chuẩn bị kỹ lưỡng, lường trước những tình huống khó xử. Chị Nguyễn Thị Hiền, thành viên của tổ, tâm sự: “Khi hòa giải thành, bao mệt nhọc tan biến, còn không đạt thì buồn mấy ngày liền. Chuyện người mà cứ như của mình vậy!”. Thành viên nhỏ nhất của tổ là Nguyễn Thị Thu Thảo, Bí thư Chi đoàn khu vực. Lúc đầu, Thảo theo các cô chú làm thư ký, sau cũng tham gia đóng góp ý kiến. Thảo hay kể cho cha mẹ nghe những vụ việc ở buổi hòa giải, nhờ người thân chỉ thêm kinh nghiệm. Cũng từ những lần tham gia hòa giải, Thảo đã biết cách ứng xử hơn, học thêm được nhiều kiến thức.

Ông Trần Văn Viễn, Tổ phó tổ hòa giải kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận khu vực, kể: Cuối tháng 7-2008, tổ hòa giải thành một vụ vay mượn tiền trong khu vực. Vụ việc không lớn nhưng vì các cá nhân không khéo trong cách cư xử nên tạo thành mối bất hòa. Nếu không giải quyết sớm, có thể dẫn đến ẩu đả và những hệ lụy khác. Chị X. cho anh T. mượn 2 triệu đồng, anh T. trả lãi 3 tháng được 380.000 đồng rồi không trả nữa. Mỗi khi chị X. lại lấy tiền, anh T. thách thức, hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến mích lòng, 2 nhà ở gần nhau nhưng không nhìn mặt. Tức quá, chị X. làm đơn thưa. Buổi hòa giải có rất đông bà con đến dự. Sau khi nắm rõ tình hình, tổ yêu cầu chị X. không lấy lãi nữa vì mức lãi chị cho vay quá cao, trái với quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, tổ buộc anh T. phải trả dứt nợ trong vòng 2 tháng. 2 bên đồng ý, ký giấy thỏa thuận. Ông Viễn cho biết: “Trước khi đưa ra hòa giải chúng tôi suy nghĩ dữ lắm, làm sao cho thấu tình đạt lý, không để ai chịu thiệt. Hòa giải xong, chúng tôi còn phải theo dõi đôi bên thực hiện ra sao để nhắc nhở, trách nhiệm xuyên suốt”.

Vấn đề hôn nhân gia đình là mảng làm tổ hòa giải đau đầu nhất. Đối tượng nộp đơn xin ly hôn thường rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, do mâu thuẫn trong cách sống, bức bối kinh tế, không biết cách hành xử dẫn đến rạn nứt tình cảm. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ cũng đã hàn gắn không ít đôi tưởng đã chia tay, chấp nhận trở lại sống chung với nhau. Như trường hợp vợ chồng chị N.H.T. mới đây. Vì tức chồng chỉ lo ăn nhậu, về nhà chửi bới vợ con nên chị T. làm đơn xin ly hôn. Có sắc vóc, nghe lời mọi người xúi giục, chị càng muốn bỏ ông chồng “cù lần”, không tiền, để đi lấy chồng nước ngoài. Sau khi tìm hiểu nguồn gốc phát sinh mâu thuẫn, tổ hòa giải gặp riêng hai người khuyên lơn, chỉ ra ưu khuyết của đôi bên. Nghe mọi người phân tích, chị H. nhận ra chồng mình đâu phải lười biếng, ngày ngày cũng chịu khó đi làm hồ kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Chiều chồng hay lai rai với anh em thợ hồ, về nhà buồn chuyện gia đình nên có rầy rà đôi chút, chứ đâu phải không biết thương vợ con. Vợ chồng sống với nhau mười mấy năm, không tình cũng nghĩa. Nếu ly hôn, 2 đứa con còn nhỏ sẽ ra sao... Trước những lời khuyên nhủ chân tình, chồng chị cũng hứa sẽ bỏ thói hư tật xấu, làm lành với vợ. Chị H. rút đơn, tổ cũng đề nghị hai bên làm thỏa thuận cùng nhau xây dựng gia đình. Giờ anh chị đã vui vẻ với nhau, hai đứa con được đi học đàng hoàng.

Phần lớn thành viên trong tổ đều làm việc tự nguyện. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, Phó khu vực 7, hai vợ chồng cùng tham gia tổ hòa giải. Chị Hiền, vợ anh, là thành viên Hội Chữ thập đỏ khu vực, mỗi tháng được Hội Chữ thập đỏ khu vực trợ cấp 200.000 đồng. Còn anh Dũng, mỗi tháng cũng chỉ được 380.000 đồng tiền trách nhiệm Phó khu vực. Để chồng yên tâm công tác, chị Hiền ráng gói ghém, may quần áo thêm ở nhà để đảm bảo cuộc sống. Anh Dũng nói: “Vợ chồng ai chẳng có lúc cắn đắn, nhưng muốn nói người ta nghe thì phải làm gương”. Anh chị sống rất mẫu mực, hạnh phúc, theo đó tiếng nói cũng có trọng lượng hơn. Hay như anh Lê Thanh Phúc, thành viên của tổ, gia cảnh cũng rất khó khăn nhưng anh vẫn nhiệt tâm cống hiến. Mọi người đều làm vì ý nghĩa công việc, không tính toán thiệt hơn. Vì lẽ đó, tổ hòa giải được bà con rất thương và quý trọng. Anh Phúc cho biết, mới đây, tổ đã được đề xuất chế độ bồi dưỡng, hòa giải thành thì cả tổ được thưởng 100.000 đồng/vụ, không thành được 50.000 đồng/vụ. Anh Phúc cười hiền: “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là giúp bà con gắn kết tình làng nghĩa xóm, hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, mang lại cuộc sống yên vui cho xóm ấp”.

Ông Hồ Văn Chính, cán bộ Ban Tư pháp phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho biết: “Mấy năm qua, khu vực 7 là một trong những khu vực có hòa giải đạt hiệu quả cao nhất của phường, nhiều vụ việc phức tạp đã được dàn xếp êm đẹp. Tổ hòa giải khu vực là những người có năng lực, uy tín, kiến thức, được bà con tin tưởng. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất khen thưởng cá nhân và tập thể tổ vì những đóng góp tích cực cho cộng đồng”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết