11/10/2017 - 21:53

Catalonia hoãn tuyên bố độc lập 

Những người ủng hộ ly khai của vùng Catalonia đã bày tỏ sự thất vọng sau khi Thủ hiến Carles Puigdemont (ảnh) thông báo trì hoãn tuyên bố độc lập của vùng này trong vài tuần tới, đồng thời kêu gọi đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

   Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont ký văn kiện tuyên bố độc lập trong phiên họp tại thủ phủ Barcelona hôm 10-10.

Phát biểu trước Nghị viện Catalonia hôm 10-10, Thủ hiến Carles Puigdemont cho rằng kết quả thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã trao cho chính quyền địa phương thực hiện khát vọng cắt đứt mối quan hệ với Madrid. Nhưng ông Puigdemont đề xuất hội đồng lập pháp vùng này “tạm thời hoãn hiệu lực của tuyên bố độc lập để bắt đầu một cuộc đối thoại không chỉ nhằm giảm căng thẳng mà còn nhằm đạt được thỏa thuận về một giải pháp đáp ứng các nhu cầu của người dân Catalonia”.

Ngay sau bài phát biểu trên, ông Puigdemont là người đầu tiên ký tên vào tài liệu có tiêu đề “Tuyên bố của các đại diện xứ Catalonia”. Hàng chục nhà lập pháp khác sau đó cũng ký tên vào văn kiện mà họ gọi là một tuyên bố đầy đủ về độc lập của vùng này.

Trong khi đó, chính quyền trung ương Madrid đáp trả rằng họ không chấp nhận tuyên bố độc lập từ các nhà ủng hộ xứ Catalonia ly khai và không xem cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 hay các kết quả của nó có giá trị. Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria bác bỏ đề nghị đàm phán thông qua trung gian quốc tế của Thủ hiến Catalonia. Phát biểu trước báo giới, bà Santamaria cho rằng Thủ hiến Puigdemont là “một người không biết mình đang đứng ở đâu, sẽ đi đến đâu và đi với ai”. Theo bà, Thủ hiến Catalonia không có quyền tiến hành hòa giải với chính quyền trung ương và nên trở lại con đường của pháp luật nếu ông muốn đàm phán diễn ra.

Thủ tướng Mariano Rajoy đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp sáng 11-10 (giờ địa phương) để đưa ra quyết định về văn kiện tuyên bố độc lập của vùng Catalonia. Ông  Rajoy tuyên bố sẽ sử dụng mọi quyền hạn của mình để ngăn chặn tuyên bố độc lập của vùng Catalonia, song từ chối áp đặt một quy tắc kiểm soát trực tiếp đối với  khu vực bán tự trị này.

Theo hãng tin AP, một trong những giải pháp của chính quyền Madrid trong cuộc họp khẩn cấp ngày 11-10 là tìm cách kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha. Điều khoản này cho phép chính quyền trung ương nắm quyền kiểm soát một phần hoặc toàn bộ tại bất kỳ khu vực nào trong số 17 khu vực của cả nước nếu nơi đây không tuân thủ nghĩa vụ pháp lý của mình. Biện pháp này sẽ bắt đầu bằng một phiên họp nội các và một cảnh báo sẽ được gửi đến chính quyền vùng đó. Kế đến, Thượng viện Tây Ban Nha sẽ tiến hành phê chuẩn biện pháp này. Trong khi đó, Thủ hiến Puigdemont còn có thể bị gọi ra thẩm vấn trước tòa và có thể bị bắt giữ.

Hiện cuộc khủng hoảng chính trị giữa Catalonia và Madrid đã gây ra tình trạng không chắc chắn cho giới doanh nghiệp tại một trong những vùng giàu có nhất Tây Ban Nha. Chẳng hạn, một số công ty lớn nhất Catalonia đã di chuyển trụ sở của họ ra khỏi vùng này, trong khi một số khác cũng có ý định “nối gót” nếu ông Puigdemont tuyên bố độc lập.

Vì thế, quyết định hoãn tuyên bố độc lập và mở đường đàm phán với chính quyền Madrid của Thủ hiến Puigdemont tạm thời đã giúp thị trường chứng khoán khắp thế giới và đồng euro tăng lên. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng lập trường lấp lửng của ông Puigdemont chỉ làm kéo dài thêm nguy cơ bất ổn từ tình thế bế tắc chính trị của xứ Catalonia.

ĐÔNG PHONG (Theo WP, AFP, Reuters) 

Chia sẻ bài viết