Úc có thể sẽ có thêm láng giềng mới khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Bougainville vào tháng 11 tới.
Bougainville là khu tự trị ở Papua New Guinea (PNG). Năm 1989, phong trào ly khai đẩy vùng đất này rơi vào nội chiến đẫm máu khiến gần 20.000 người thiệt mạng. Thời điểm đó, Úc và New Zealand đã gửi quân đội can thiệp và hỗ trợ đàm phán hiệp định hòa bình. Thỏa thuận đạt được năm 2001 quy định về việc thành lập chính quyền Bougainville tự trị, giải giáp quân nổi dậy và tổ chức trưng cầu dân ý về việc họ muốn quyền tự trị nhiều hơn hay độc lập hoàn toàn khỏi PNG.
Hơn 200.000 người đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Bougainville. Ảnh: ABC News
Theo khảo sát gần đây, 80% trong số 300.000 cư dân Bougainville ủng hộ giải pháp thứ hai. Dù vậy, kết quả cuộc trưng cầu dân ý phải được Quốc hội PNG phê chuẩn. Theo chuyên gia phân tích Ben Bohane, tình trạng Bougainville có thể dẫn đến khủng hoảng mới trong khu vực nếu người dân bỏ phiếu độc lập nhưng không thể đạt thỏa thuận với Chính phủ PNG. Ngược lại, câu hỏi đặt ra là liệu Bougainville có sẵn sàng độc lập hay không khi mà họ vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương.
Vấn đề này được nhìn thấy ngay trong cuộc trưng cầu dân ý. Sự kiện sắp diễn ra, thế nhưng công cuộc chuẩn bị từ đầu năm đến nay vẫn còn rời rạc. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt tài chính. PNG là bên tài trợ lớn nhất với số tiền lên đến 5,4 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cùng các đồng minh khu vực như Úc, New Zealand và Nhật Bản cũng góp khoảng 2 triệu USD. Tuy là nước cấp viện trợ lớn cho PNG và Nam Thái Bình Dương, nhưng sự kiện này lại không có phần của Trung Quốc.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Bắc Kinh không bị ngăn cản nhưng cũng không nhận được lời kêu gọi đóng góp. Nguồn tin thứ hai cho biết phương Tây muốn hạn chế sự can thiệp của Trung Quốc vào hòn đảo có thể trở thành quốc gia láng giềng của Úc. Nằm ở vị trí chiến lược trong vùng biển ngăn giữa châu Á và châu Mỹ, Bougainville đang là điểm nóng cạnh tranh về mặt kinh tế lẫn ngoại giao. Thứ nhất, nơi đây có mỏ đồng chưa được khai thác lớn nhất thế giới Panguna đã bị đóng cửa từ thời nội chiến. Khu tự trị này còn từng là nơi đặt căn cứ quan trọng của quân Nhật trong Thế chiến thứ hai và sau đó được lực lượng không quân Úc, New Zealand, Mỹ tiếp quản.
Hiện Úc và đồng minh phương Tây vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình Bougainville, đặt biệt khi Canberra và Washington có kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum nằm trên đảo Manus của PNG nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Về phần Bắc Kinh, có thể nắm giữ mỏ đồng Panguna đồng nghĩa đóng vai trò trực tiếp đối với tương lai kinh tế Bougainville. Cùng với ảnh hưởng tại PNG, đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc giành lấy ưu thế trong trò chơi quyền lực trước Mỹ và các đối thủ khu vực.
Trong khi phương Tây lo ngại Bougainville hợp tác với Trung Quốc, hiện có thông tin Bắc Kinh trên danh nghĩa doanh nghiệp nhà nước vừa bí mật đạt được thỏa thuận với chính quyền quốc đảo Solomon để thuê toàn bộ đảo Tulagi và khu vực xung quanh trong 75 năm.
Tiết lộ này không chỉ “gây sốc”cho cư dân Tulagi mà còn gióng lên cảnh báo đối với Mỹ. Theo học giả New Zealand Anne-Marie Brady, Trung Quốc đang mở rộng tài sản quân sự tại Nam Thái Bình Dương theo cách mà các cường quốc khác trỗi dậy trước họ. Đặc biệt ở khu vực “sân sau” của Úc, những dự án như vậy sẽ giúp Bắc Kinh thiết lập vị thế quân sự vững chắc khi chủ động kiểm soát vùng trời, vùng biển, thậm chí xây dựng hệ thống định vị toàn cầu cho riêng mình.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, ABC News)