10/03/2009 - 08:24

Cảnh giác với bệnh sởi và rubella

Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi… đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, bệnh đậu mùa dường như đã hoàn toàn biến mất khoảng vài chục năm nay. Tuy nhiên, gần đây, những cảnh báo về nguy cơ gia tăng của bệnh sởi, rubella khiến không ít người lo lắng. Mặc dù sởi, rubella thường không phải là những bệnh nguy hiểm, nhưng do khả năng lây lan cao, đây là những bệnh gây thiệt hại lớn khi có dịch xảy ra.

Trên lý thuyết, một số bệnh sau khi đã mắc hoặc được tiêm ngừa thì sẽ không bị mắc nữa. Nhưng thực tế người ta thấy rằng, đáp ứng miễn dịch của từng người đối với một loại vắc-xin chỉ đạt khoảng 95%. Khả năng phòng ngừa bệnh tật của một vắc-xin có khuynh hướng giảm dần theo thời gian. Vì vậy, khi giảm tới mức nào đó, cần một mũi tiêm nhắc lại để đánh thức cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Dịch sởi đang xảy ra ở một số tỉnh có thể do 2 nguyên nhân: đối tượng chưa từng được tiêm ngừa sởi; đối tượng đã tiêm ngừa sởi nhưng hiệu giá kháng thể giảm xuống dưới mức bảo vệ do không được tiêm mũi nhắc lại.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao, trước đây xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Vi-rút sởi lan truyền bằng đường hô hấp, qua các giọt nước li ti từ dịch mũi, miệng, họng của bệnh nhân bắn ra khi hắt hơi, sổ mũi. Khoảng 10 ngày sau khi hít phải những giọt nước này, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, mắt đỏ hoặc ho và nổi ban (tam chứng sởi). Ban sởi là dấu hiệu đặc biệt của bệnh. Ban mọc sau tai, lên mặt rồi lan xuống phần dưới của cơ thể. Khi ban đã lan xuống chi thì phần trên bắt đầu bay đi theo tuần tự như khi xuất hiện và để lại vết thâm vằn da hổ.

Để phòng ngừa bệnh sởi, hiện nay nhiều người dân đã đến Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ tiêm ngừa sởi. Ảnh: K.L. 

Tiến triển bệnh sởi thường là lành tính. Bệnh nhân được điều trị ngoại trú và hẹn tái khám. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu của biến chứng, bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Biến chứng là viêm phổi, viêm tai, viêm thanh quản, tiêu chảy kéo dài, viêm não, bội nhiễm, thiếu vitamin A... Các biến chứng này có thể gây tử vong.

Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức), do vi-rút gây ra, bệnh cũng lây truyền qua đường hô hấp. Triệu chứng của rubella cũng rất giống tam chứng sởi nên thường bị nhầm lẫn, khi xét nghiệm mới phát hiện ra. Trong vài năm trở lại đây, xét nghiệm các ca sốt phát ban nghi sởi đều cho ra kết quả là rubella. Đây cũng là bệnh có tiến triển phần lớn lành tính. Tuy nhiên, cũng như sởi, do Rubella có khả năng lây lan rất cao và có thể có biến chứng nên bệnh gây không ít thiệt hại cho cơ quan, xí nghiệp, trường học, doanh trại bộ đội... Người bệnh phải nghỉ ngơi hoặc nghỉ làm, cách ly khoảng 7 ngày.

Hội chứng rubella bẩm sinh gây hậu quả nặng nề cho thai nhi; phụ nữ mang thai bị nhiễm rubella vào những tháng đầu của thai kỳ thì mức độ tổn thương của thai nhi càng lớn như bị bệnh tim bẩm sinh, câm điếc, đục thủy tinh thể, tâm thần... Vì vậy, những thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thường được khuyên chấm dứt thai kỳ.

Việc điều trị bệnh sởi hoặc rubella thường chỉ là hạ sốt, giảm ho, nghỉ ngơi, vệ sinh tránh vi trùng khác tấn công khi cơ thể yếu đi; đồng thời, phát hiện sớm tình trạng trở nặng để tránh biến chứng nguy hiểm. Không phải dùng kháng sinh khi không có nhiễm trùng khác kèm theo. Đối với bệnh sởi, nguy cơ thiếu vitamin A ở trẻ là rất lớn, nhất là bệnh sởi xảy ra ở trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng sẵn, vì vậy phải bổ sung vitamin A.

Để phòng ngừa bệnh sởi hoặc rubella, trước hết phải phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên trong trường lớp, xí nghiệp... để cách ly tại nhà ít nhất 5-7 ngày. Các bệnh này lây qua đường hô hấp, sức lây lớn, nên cách ly sớm là biện pháp hữu hiệu để tránh lây lan mau. Việc vệ sinh, phun thuốc sát trùng tại trường học hoặc xí nghiệp chỉ là biện pháp thứ yếu. Người bệnh khi ho, hắt hơi phải che chắn. Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là tiêm ngừa.

Đối với trẻ em, cần tiêm mũi sởi vào lúc bé được 9 tháng tuổi tại trạm y tế xã, phường vào ngày tiêm chủng định kỳ. Ở TP Cần Thơ, ngày tiêm chủng định kỳ là ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng. Sau khi trẻ được 1 tuổi, thực hiện tiêm mũi sởi nhắc trong chiến dịch tiêm nhắc nếu có. Sau 2 mũi tiêm, hiệu quả bảo vệ đạt khoảng 95% và kéo dài ít nhất 5 năm. Trẻ sau 1 tuổi cũng cần tiêm vắc-xin phòng rubella dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng. Ở Cần Thơ, đây là mũi tiêm 3 trong 1 ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella. Tiêm 2 lần cách nhau vài năm, mũi đầu tiêm ở thời điểm trẻ từ 1 tuổi trở lên; mũi 2 là mũi củng cố cách mũi đầu vài năm hoặc lúc cháu bé bắt đầu đi học. Đối với trẻ sống trong môi trường đặc biệt như trại mồ côi thì có thể tiêm vắc-xin từ 9 tháng tuổi. Và trong trường hợp này, cần tiêm mũi 2 sau mũi đầu 6 tháng. Bình thường với 2 liều cách nhau vài năm, vắc-xin 3 trong 1 có thời gian bảo vệ kéo dài trên 10 năm.Vắc-xin phòng rubella có tác dụng tốt cho phụ nữ tuổi sinh đẻ để phòng rubella bẩm sinh cho trẻ, tuy nhiên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm. Giá một mũi tiêm 3 trong 1 khoảng 110.000 đồng.

Bs.DƯƠNG PHƯỚC LONG
(Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết