Béo phì và tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong, nếu không được điều trị kịp thời. Các nhà nghiên cứu Ấn Độ mới đây cảnh báo tăng cân nhanh còn tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận.
Các thực phẩm giúp bảo vệ và tăng cường chức năng thận.
Cụ thể, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, các bác sĩ tại Bệnh viện Toàn cầu Gleneagles ghi nhận có ít nhất 30% số bệnh nhân đã mắc các bệnh về thận, mà nguyên nhân phần nhiều là do tăng cân trong giai đoạn sống tĩnh tại vì tránh dịch.
Các bác sĩ khẳng định béo phì - cũng giống như tiểu đường và chứng cao huyết áp - là yếu tố góp phần kích hoạt nguy cơ mắc các bệnh thận mãn tính, cũng như tiến triển của bệnh thận giai đoạn cuối. Tình trạng thừa cân ảnh hưởng trực tiếp đến thận và buộc cơ quan này làm việc cật lực hơn, lọc lượng chất thải nhiều hơn mức bình thường. Còn béo phì làm tăng huyết áp, làm suy giảm áp lực bài niệu và gây giãn nở thể tích thận...
Đáng lo ngại là các bệnh lý về thận thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Do đó, để bảo toàn chức năng của thận, các bác sĩ khuyến nghị mọi người cần thực hiện lối sống năng động để kiểm soát cân nặng và tránh để huyết áp tăng cao dẫn tới các vấn đề như suy thận.
Còn trong trường hợp đã thường xuyên tập thể dục và ăn kiêng mà vẫn chưa giảm cân thành công, thì bạn cần nghĩ đến những nguyên nhân mà hai chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Lisa Moskovitz và Kathleen Trotter đề cập dưới đây:
+ Quá quan tâm đến lượng calo tiêu thụ mà dung nạp thiếu dưỡng chất. Chuyên gia Moskovitz cho biết việc tính toán lượng calo tiêu thụ trong ngày là không khả thi, bởi chúng ta khó có thể tính chính xác lượng calo đã tiêu thụ và mức tiêu hao năng lượng cần thiết để giảm cân hoặc “đốt” mỡ thừa. Thay vì lo tính số calo trong thức ăn, chuyên gia Trotter khuyên nên nâng cao nhận thức về giá trị dinh dưỡng. Nói cách khác, bạn nên thay món ăn vặt chỉ chứa 100 calo nhưng không có giá trị dinh dưỡng bằng một món ăn nhẹ có lượng calo cao hơn nhưng cũng dinh dưỡng hơn để tránh mau đói bụng.
+ Ăn không đủ lượng. Điều kiện tiên quyết khi bắt đầu một chế độ ăn giảm cân là cắt giảm đáng kể khẩu phần, nhưng việc bỏ bữa và kiêng ăn thái quá thực sự có thể gây tác dụng ngược. Nguyên do là ăn không đủ lượng buộc cơ thể tích trữ tất cả calo thay vì đốt cháy chúng, đồng thời có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và khiến nỗ lực giảm cân thất bại.
+ Tiêu thụ thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Nếu thường chọn mua thực phẩm đóng gói có ghi “ít chất béo” hoặc “ít muối”, bạn có thể đã rơi vào bẫy ăn kiêng vì trên thực tế chúng không giúp giảm cân. Tốt nhất nên tránh dùng các sản phẩm đóng gói, mà hãy chọn thực phẩm toàn phần và tươi nguyên, nhưng nhớ ăn vừa phải vì ăn quá nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả ăn kiêng.
+ Thiếu ngủ và căng thẳng tinh thần (stress). Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng to lớn đến thể trạng, trong khi cảm xúc cũng có liên quan tới nỗ lực giảm cân của bạn. Cho nên, dù đã áp dụng chế độ ăn lành mạnh và năng vận động, cơ thể vẫn dễ tích trữ thêm mỡ nếu bạn bị stress triền miên. Do đó, ngoài tránh stress vì thiếu ngủ, hãy dành chút ít thời gian cho các bài tập có công dụng thư giãn tinh thần - như yoga hoặc ngồi thiền, để giảm cân hiệu quả hơn.
+ Cách tập thể dục đơn điệu. Nếu chỉ tập trung vào các bài tập cardio (tăng nhịp tim) thì bạn cần phải thay đổi thói quen vận động của mình. Theo đó, cần tập luyện xen kẽ giữa các bài tập cường độ cao và cường độ thấp. Điều này giúp tăng nhu cầu trao đổi chất và thúc đẩy cơ thể đốt cháy nhiều calo trong thời gian ngắn.
+ Bạn có thể đang mắc một vấn đề sức khỏe lớn hơn. Trong một số trường hợp, giảm cân bất thành là do tuyến giáp hoạt động kém, nhạy cảm với hoóc-môn insulin hoặc do uống thuốc chữa bệnh. Do đó, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu đã ăn kiêng và tập thể dục trong thời gian dài mà không thấy tiến triển gì.
HUY MINH (Theo Insider, TheHealthSite.com)