24/05/2021 - 18:37

Cảnh báo tội phạm làm giả vaccine COVID-19 

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) cùng nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác liên tục cảnh báo về làn sóng tội phạm mới liên quan hoạt động làm giả và buôn bán vaccine COVID-19 bất hợp pháp với quy mô mở rộng ra toàn cầu.

Ảnh: INTERPOL

Hồi tháng 3, cảnh sát Trung Quốc phối hợp cơ quan chức năng Nam Phi đã đột kích một nhà kho ở Gauteng (ảnh), bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ khoảng 400 ống chứa vaccine COVID-19 giả tương đương 2.400 liều cùng lượng lớn khẩu trang 3M nhái. Trước đó, Trung Quốc trong chiến dịch chống tội phạm liên quan vaccine trong nước cũng bắt hơn 80 đối tượng, tịch thu trên 3.000 liều vaccine COVID-19 giả. Theo Tân Hoa xã, vaccine giả được tạo ra bằng cách bơm nước muối vào ống tiêm và được bán với giá cao ngất ngưởng. Cùng thời điểm, Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) phát hiện một loạt vaccine COVID-19 nhái thương hiệu của hãng tại Mexico và Ba Lan. Các lọ đựng vaccine ở Mexico được làm giả nhãn hiệu và đã tiêm cho khoảng 80 người với chi phí 1.000USD/người. Tại Ba Lan, điều tra cho thấy thành phần chất lỏng bên trong các lọ vaccine giả có chứa chất chống nhăn được sử dụng nhiều trong chăm sóc da.

Theo Stephen Kavanagh, một quan chức cấp cao của INTERPOL, tiến trình triển khai tiêm vacicne COVID-19 đang bị đình trệ tại nhiều quốc gia đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm lợi dụng kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người dân. Ông cho biết INTERPOL phát hiện rất nhiều phòng thí nghiệm ở Ðông Nam Á sản xuất vaccine giả để tuồn vào Nam Mỹ. Tổ chức này chưa ghi nhận đường dây sản xuất vaccine giả trên quy mô công nghiệp, nhưng ông Kavanagh không loại trừ khả năng bọn tội phạm đang tìm cách mở rộng hoạt động bất hợp pháp liên quan vaccine COVID-19 trên toàn thế giới.

Trong đó, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng giấy tờ tiêm chủng giả cũng như các lọ vaccine rỗng chính hãng được rao bán đầy rẫy trên mạng, quan chức này nói thêm. Hồi tháng 3, Hãng tin CNN dẫn báo cáo của Công ty an ninh mạng Check Point Software nói rằng các nhà khoa học đã phát hiện danh sách vaccine COVID-19 được phê duyệt từ các nhà sản xuất như Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac bán trên một “website đen” với giá rao lên đến 1.000USD/liều. Một số trang còn bán mẫu giấy chứng nhận vaccine hay thẻ tiêm chủng với giá trung bình 200USD/tờ. Hầu hết những trang này thường chạy ngầm trên Internet và chỉ được truy cập thông qua phần mềm đặc biệt.

Trưởng Ðại diện Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) khu vực Ðông Nam Á - Thái Bình Dương, Jeremy Douglas, thừa nhận cơ quan này không thể biết chắc những thứ được rao bán như trên là thật hay giả. Tuy vậy, UNODC đã cố vấn cho chính phủ nhiều nước về rủi ro từ các nhóm tội phạm sản xuất, buôn bán vaccine giả cũng như cách mà vaccine thật từ chuỗi cung ứng hợp pháp xuất hiện trên thị trường chợ đen. Theo ông, mạng lưới này phát triển dựa trên hoạt động buôn bán dược phẩm bất hợp pháp đã hình thành trước đó ở những quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm lớn cũng như lịch sử về sản xuất đồ nhái.

Trong nỗ lực trấn áp các loại tội phạm có tổ chức như trên, INTERPOL cho biết đang hợp tác với các hãng dược, cơ quan y tế, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lực lượng chức năng ở nhiều quốc gia để chia sẻ thông tin về chu trình theo dõi, xác minh và vận chuyển vaccine, từ đó giảm thiểu mối đe dọa trong chuỗi cung ứng hợp pháp. Quan trọng hơn hết, tổ chức này kêu gọi công chúng nên tiếp cận vaccine thông qua cơ quan y tế có thẩm quyền. Ðược biết, nhiều công ty sản xuất vaccine lớn như Pfizer đã khuyến cáo người dân không bao giờ tìm mua vaccine COVID-19 qua Internet bởi không có liều vaccine hợp pháp nào được bán trên mạng. Trong khi đó, một số quốc gia đang mạnh tay truy quét, gỡ bỏ nhiều website rao bán vaccine.

Saudi Arabia siết chặt quy định với những người phản đối tiêm vaccine

Ngày 24-5, Saudi Arabia bắt đầu siết chặt quy định đối với những người hoài nghi về vaccine ngừa COVID-19, theo đó, cấm họ đi hành hương, du lịch nước ngoài, đồng thời không được phép đến các trường đại học, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc. Giới chuyên gia y tế cho rằng các cá nhân phản đối tiêm vaccine tiềm ẩn “nguy cơ gây nguy hiểm cho các nỗ lực toàn cầu nhằm đánh bại đại dịch COVID-19”.
Saudi Arabia đang đẩy nhanh công tác tiêm chủng trên toàn quốc nhằm nhanh chóng hồi sinh ngành du lịch, tổ chức các giải đấu thể thao cũng như các hoạt động giải trí cộng đồng, vốn đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết