12/03/2023 - 06:47

Canh bạc chính trị của ông Yoon Suk-yeol 

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Trong bối cảnh mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Triều Tiên và những căng thẳng địa chính trị xung quanh cuộc chiến Nga - Ukraine, nguy cơ đối đầu trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol không chỉ thúc đẩy quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ mà còn chủ động xích lại gần hơn với nước láng giềng Nhật Bản vốn có mối quan hệ hiềm khích nhạy cảm trong lịch sử chiến tranh xâm lược.

Chìa cành ô liu

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (phải) trong cuộc gặp song phương đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Campuchia tháng 11-2022. Ảnh: Japanforward

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (phải) trong cuộc gặp song phương đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Campuchia tháng 11-2022. Ảnh: Japanforward

Trong bài phát biểu chỉ kéo dài hơn 5 phút nhân ngày Phong trào Độc lập 1-3, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có cử chỉ được đánh giá là trao thêm cành ô liu hòa bình nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khi ông cho rằng Tokyo “đã chuyển đổi từ một kẻ quân phiệt xâm lược trong quá khứ thành một đối tác chia sẻ các giá trị phổ quát với Seoul”. 1-3 là ngày lễ kỷ niệm cuộc biểu tình hòa bình năm 1919 tại Hàn Quốc nhằm phản đối ách đô hộ của quân phiệt Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945.

Ông Yoon cũng nhấn mạnh hợp tác 3 bên Hàn - Mỹ - Nhật nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên là một trong những lĩnh vực mà 2 nước đang hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Tổng thống Yoon đồng thời không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào nhằm yêu cầu Nhật Bản phải xin lỗi các hành động trong quá khứ, điều này khác biệt hoàn toàn với người tiền nhiệm Moon Jae-in trong thông điệp ngày 1-3 năm 2018. Ông Moon khi đó kêu gọi Tokyo đưa ra lời xin lỗi với tư cách là “thủ phạm của tội ác chống lại loài người”.

Bài phát biểu của ông Yoon nhận được sự hoan nghênh của Mỹ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Ned Price cho rằng đó là tầm nhìn hợp tác quan trọng không chỉ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản mà còn đặt trong quan hệ 3 bên với Mỹ.

Thực ra, trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 15-8 của Hàn Quốc hồi năm ngoái, Tổng thống Yoon cũng được cho đã chìa cành ô liu cho Nhật Bản khi ông bày tỏ mong muốn “cải thiện nhanh chóng và hợp lý” quan hệ với Tokyo nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau lịch sử. “Khi mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản hướng tới một tương lai chung và khi sứ mệnh của thời đại chúng ta phù hợp, dựa trên các giá trị phổ quát được chia sẻ, nó sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề lịch sử tồn tại giữa hai nước”, ông Yoon nêu rõ quan điểm.

Đến tháng 11-2022, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia và 2 bên thống nhất giải quyết mọi vấn đề đang tồn đọng.

Theo Hãng tin Bloomberg, sự cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ giúp chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xây dựng mặt trận thống nhất trong các đồng minh và đối tác nhằm chống lại Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Thế nên, ông Biden đã có chuyến công du đầu tiên tới Seoul và Tokyo hồi tháng 5-2022, thời điểm ông Yoon vừa mới nhậm chức tổng thống Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sau đó cũng lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây Ban Nha vào tháng 6-2022.

  Cùng với việc công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động nhằm xoa dịu “vết cứa lịch sử” và hàn gắn quan hệ mang lại lợi ích an ninh, kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng quyết định dừng khiếu nại lên WTO về các biện pháp hạn chế xuất khẩu 3 mặt hàng nguyên liệu công nghệ chiến lược của Nhật Bản. Đáp lại, Tokyo cũng thông báo sớm tổ chức đối thoại với Seoul nhằm hướng tới dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ.

Cơ hội đang đến

Năm 2018, dưới thời chính quyền Moon Jae-in, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu các tập đoàn công nghiệp nặng Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản phải bồi thường cho 15 nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện 2 công ty này ép họ làm lao động khổ sai trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, phía Tokyo bác bỏ phán quyết, cho rằng vấn đề này đã được giải quyết tổng thể khi 2 nước bình thường hóa quan hệ năm 1965. Theo thỏa thuận năm 1965, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ và vốn vay trị giá 500 triệu USD cho các đối tác ở Hàn Quốc, coi đây là biện pháp giải quyết một cách “dứt khoát và đầy đủ” vấn đề liên quan đến lao động cưỡng bức trong quá khứ.

Không dừng lại đó, đến đầu năm 2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh tịch thu tài sản của 2 công ty trên của Nhật Bản tại Hàn Quốc. Đáp lại động thái cứng rắn đó, Nhật Bản áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao vốn rất quan trọng đối với các hãng sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi giảm đến mức tối thiểu các hạn chế thương mại. Về phần mình, Seoul cũng loại Tokyo ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan, siết chặt nhập khẩu tro than và một số rác nguyên liệu dùng để tái chế, đồng thời rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Seoul còn đưa vấn đề cấm xuất khẩu và áp thuế của Tokyo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong khi đó, lập trường mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thể hiện rõ ngay từ khi ông chưa nhậm chức. Với tư cách tổng thống đắc cử, ông đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Kishida hồi tháng 3-2022.  Và ngay sau khi nhậm chức vào tháng 5, ông Yoon đã cử một phái đoàn tới Tokyo để trao đổi các giải pháp giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và phụ nữ mua vui thời chiến, hợp tác Hàn - Nhật và sự phối hợp của 2 nước với Mỹ. 

Với các nỗ lực sau đó, đặc biệt là trong thời gian gần đây, Hàn Quốc đã có đề xuất nhận được sự hưởng ứng của Nhật Bản. Cụ thể, hôm 6-3, Hàn Quốc chính thức đề xuất phương án bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, thông qua một quỹ công do Seoul hậu thuẫn, thay vì trực tiếp từ các công ty Nhật Bản liên quan. Quỹ công này sẽ nhận các khoản đóng góp “tự nguyện” từ khu vực tư nhân. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đánh giá cao đề xuất của Hàn Quốc và nêu rõ Tokyo sẽ cho phép các công ty Nhật Bản đóng góp tiền cho quỹ công trên.

Phát biểu tại cuộc họp nội các hôm 7-3, ông Yoon nhấn mạnh đề xuất trên là kết quả của một quá trình dài tìm kiếm một giải pháp vừa tôn trọng lập trường của các nạn nhân, vừa phù hợp với lợi ích của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như sự phát triển quan hệ song phương trong tương lai.

Thế nhưng, đề xuất của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết vấn đề lịch sử hết sức nhạy cảm đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đảng Dân chủ (DP) đối lập, các tổ chức và người dân xứ kim chi trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2024. Vì thế, kế hoạch của ông Yoon có thể được coi là canh bạc chính trị đối với đảng Bảo thủ cầm quyền.

Chờ chuyến thăm lịch sử

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo nước này Yoon Suk-yeol đang cân nhắc kỹ lưỡng việc thực hiện chuyến thăm Nhật Bản sắp tới, có thể diễn ra vào ngày 16 và 17-3. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, các cuộc thảo luận chi tiết về chuyến thăm của một tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản được tiến hành. Ông Yoon cũng sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến thủ đô Washington vào tháng 4 tới nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ. Nếu diễn ra, 2 chuyến thăm Nhật Bản và Mỹ có thể trở thành các động lực ngoại giao mới thúc đẩy nỗ lực của Tổng thống Yoon trong việc tăng cường hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhằm giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Chia sẻ bài viết