03/03/2024 - 07:12

Căng thẳng giữa chính quyền Moldova và vùng ly khai Transnistria 

Giới chức vùng ly khai Transnistria tại Đại hội đại biểu hôm 28-2 đã cáo buộc chính quyền Moldova phát động “cuộc chiến kinh tế” chống lại Transnistria, cố tình ngăn chặn các cuộc thương lượng với chính quyền ly khai thân Nga, qua đó yêu cầu Mát-xcơ-va thực hiện “các biện pháp để bảo vệ” trong bối cảnh áp lực do Chisinau tạo ra ngày càng tăng, đồng thời nhấn mạnh rằng gần một nửa dân số sinh sống nơi đây (hơn 220.000 người) là công dân Nga.

Đại hội đại biểu của các nhà lập pháp Transnistria ngày 28-2. Ảnh: Sputnik

“Chúng tôi quyết định kêu gọi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, yêu cầu các biện pháp bảo vệ Transnistria trong bối cảnh áp lực gia tăng từ Moldova. Transnistria sẽ kiên trì đấu tranh cho danh tính, quyền và lợi ích của người dân Transnistria và sẽ không từ bỏ việc bảo vệ họ, bất chấp mọi áp lực từ bên ngoài” - nghị quyết tại đại hội có đoạn viết. Nghị quyết còn kêu gọi các bên khác như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Nghị viện châu Âu, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) “tác động tới lãnh đạo Moldova để quay lại đối thoại thỏa đáng, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền lợi và tự do của cư dân Transnistria”.

Alexander Korshunov, Chủ tịch Hội đồng tối cao Transnistria, cáo buộc Moldova “lợi dụng tình hình địa chính trị” và sử dụng nền kinh tế nước này “như một công cụ gây áp lực”. “Chính sách và mục tiêu của Moldova liên quan đến Transnistria vẫn không thay đổi trong nhiều thập niên qua. Họ phá hủy tiềm năng kinh tế của chúng tôi, tạo ra những điều kiện sống không thể chấp nhận cho công dân chúng tôi và họ đã đạt được mục tiêu xóa bỏ tư cách nhà nước của chúng tôi” - ông Korshunov nói thêm.

Theo Hãng tin AP, Mát-xcơ-va đã nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ nói trên và hứa sẽ sớm giải quyết. “Bảo vệ lợi ích của cư dân Transnistria, đồng bào của chúng tôi, là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Mọi yêu cầu luôn được xem xét cẩn thận” - Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố cho biết. Trong khi đó, Konstantin Zatulin, nghị sĩ cấp cao của Duma Quốc gia Nga, nói rằng Quốc hội Nga sẽ đánh giá lời thỉnh cầu của Transnistria ngay khi chính thức nhận được văn bản đề nghị.

Động thái trên của Transnistria bị Moldova lên án. Oleg Serebyan, Phó Thủ tướng về Tái hòa nhập của Moldova, bác bỏ “những tuyên bố mang tính tuyên truyền của Transnistria” và phủ nhận việc đặt vùng lãnh thổ ly khai này vào tình trạng “phong tỏa kinh tế”. Ông Serebyan nhấn mạnh: “Khu vực Transnistria của Cộng hòa Moldova được hưởng các chính sách hòa bình, an ninh và hội nhập kinh tế với Liên minh châu Âu (EU)”.

Với dân số khoảng 470.000 người, Transnistria là vùng lãnh thổ nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, có phần lớn cư dân nói tiếng Nga. Vùng này đã đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã. Dù không được bất kỳ quốc gia thành viên của LHQ nào công nhận, kể cả Nga, nhưng quốc gia có tên chính thức là Cộng hòa Moldova Pridnestrovia này có tiền tệ và quốc kỳ riêng. Năm 1992, phe ly khai xung đột vũ trang với chính phủ thân phương Tây của Moldova, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Trong những năm qua, Moldova đã nhiều lần phủ nhận việc gây áp lực lên Transnistria và cáo cuộc Nga khiến tình hình ở nước này bất ổn thông qua các hoạt động diễn tập ở khu vực ly khai. Trong nỗ lực điều chỉnh luật kinh tế phù hợp với EU, nơi chính thức cấp tư cách ứng cử viên cho Moldova hồi tháng 6-2022, Chisinau ngày 1-1 đã bất ngờ bãi bỏ các biện pháp giảm thuế hải quan cho các doanh nghiệp Transnistria, buộc họ phải đóng thuế cho cả Transnistria và Moldova. Động thái này đã khiến giới chức Transnistria “nổi đóa”, cho rằng nó gây tổn hại cho người dân và doanh nghiệp địa phương.

Trong khi đó, Transnistria đã thực hiện nhiều bước để hội nhập với Nga. Đơn cử, Transnistria năm 2006 đã đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý về việc vùng ly khai này “được tự do gia nhập Liên bang Nga”. Dù không được quốc tế công nhận nhưng cuộc trưng cầu dân ý nhận được sự ủng hộ của 98% cử tri Transnistria. Song, Mát-xcơ-va kể từ đó đã phản đối bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Transnistria, dù vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực. Hiện Nga có khoảng 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình” đồn trú tại khu vực ly khai này. Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Moldova vẫn lo ngại rằng Điện Kremlin có thể sử dụng Transnistria để mở mặt trận mới ở phía Tây Nam, gần tỉnh Odesa phía Nam Ukraine.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết