15/11/2021 - 21:53

Căng thẳng EU - Belarus khó hạ nhiệt 

Cơ hội đàm phán giải quyết xung đột địa chính trị giữa Liên minh châu Âu (EU) và Belarus trở nên hạn hẹp khi căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới tiếp tục leo thang.

Người tị nạn kẹt tại biên giới Ba Lan - Belarus. Ảnh: Getty Images

Những tuần gần đây, người ta bắt đầu nghe đến các thuật ngữ như “chiến tranh hỗn hợp” hay “vũ khí di dân” để mô tả tình trạng mỗi ngày có hàng ngàn người di cư đổ về biên giới Belarus với Ba Lan để tìm cơ hội sang Tây Âu. Trong đó, chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko bị tố lợi dụng người tị nạn bằng cách “thúc đẩy” họ vượt biên trái phép vào Ba Lan, Latvia và Litva nhằm gây áp lực buộc EU dỡ bỏ trừng phạt áp đặt lên nước này vào năm ngoái.

Minsk đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Tổng thống Lukashenko hôm 11-11 còn đe dọa ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu trước cảnh báo của EU về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Ðáp lại, Brussels tuyên bố không nhượng bộ và có thêm biện pháp để chế độ Tổng thống Lukashenko hiểu họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi “kích động” của mình.

Theo Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell, khối 27 quốc gia thành viên với sự hỗ trợ của Mỹ có thể mở rộng cấm vận Belarus, nhắm tới các hãng hàng không, công ty du lịch và giới quan chức liên quan chính sách khuyến khích dòng người di cư. Về mặt quân sự, Chính phủ Ba Lan hôm 8-11 đã triển khai 12.000 quân đến khu vực biên giới. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki mới đây còn hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có bước đi cụ thể hỗ trợ Vác-sa-va giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Tính toán của Belarus và EU                                         

Trước viễn cảnh về một thảm họa nhân đạo tại biên giới Belarus - Ba Lan, giới quan sát không rõ các biện pháp trừng phạt và đe dọa lẫn nhau liệu sẽ là áp lực để EU - Belarus ngồi vào đàm phán hay tiếp tục châm dầu vào bế tắc hiện nay.

Về phía Minsk, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của Tổng thống Lukashenko chủ yếu muốn đạt được thỏa thuận chính trị với phương Tây. Ðược biết, Mỹ và một số đồng minh châu Âu hiện không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Belarus vào tháng 8-2020 vì cho rằng cuộc bầu cử diễn ra không công bằng; đồng thời chỉ trích hành vi bạo lực của chính quyền đối với phe đối lập và người biểu tình. Vì lẽ này, ông Lukashenko được cho muốn sử dụng cuộc khủng hoảng biên giới như đòn bẩy để yêu cầu EU dỡ bỏ các hạn chế về kinh tế và công nhận ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước, nối dài 27 năm cầm quyền. Nhưng căn cứ tình hình thực tế, chuyên gia phân tích Artyom Shraibman dự đoán chiến thuật gây áp lực của Belarus có thể không mang lại kết quả như mong đợi. Bởi so sánh cuộc khủng hoảng vào năm 2015 với hàng triệu người tị nạn, các nhà quan sát cho rằng EU đủ tiềm lực đối phó dòng người di cư từ Belarus nên ít có khả năng Brussels phải nhượng bộ.

Dù vậy, một số người lo ngại tình hình này có thể khoét sâu rạn nứt trong nội bộ EU. Hồi năm 2015, Ba Lan là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất chính sách đối với người di cư của EU và dần rời xa các giá trị chung của khối. Gần đây, mâu thuẫn giữa Vác-sa-va và Brussels lại leo thang liên quan vấn đề pháp quyền và tính độc lập của cơ quan tư pháp. Tháng rồi, Ba Lan bị yêu cầu đóng mức phạt 1,2 triệu USD/ngày do không tuân thủ phán quyết từ tòa án cấp cao của EU. Ðáp lại, các quan chức Ba Lan gọi khoản phạt trên là “hành vi chiếm đoạt và tống tiền”; đồng thời khẳng định sẽ không để bị bắt nạt. Trong nỗ lực dập tắt mồi lửa đe dọa sự thống nhất trong khối, Cao ủy EU phụ trách nội vụ Ylva Johansson kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư bùng phát đã kêu gọi sự đoàn kết trong liên minh. Trong chuyến thăm Ba Lan tuần rồi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lần nữa khẳng định các nước thành viên cần tách biệt vấn đề đối phó “hành vi khiêu khích” của chính quyền Tổng thống Lukashenko với các tranh cãi nội bộ hiện nay.

MAI QUYÊN (Theo Vox)

Chia sẻ bài viết