(TTXVN)- Vấn đề chủ quyền Bắc Cực lại nóng lên khi Canada và Na Uy đồng loạt phản đối tuyên bố của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nói rằng các nước trong khu vực này đang mưu toan hạn chế Nga tiếp cận việc thăm dò và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.
Ngày 18-3, trong một phản ứng trực tiếp, Ngoại trưởng Canada Lawwrence Cannon khẳng định không có chuyện Nga bị hạn chế như vậy. Theo ông, từ 2 năm trước, cả năm quốc gia giáp Bắc Cực, gồm Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ, đã nhất trí dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển để giải quyết các tranh chấp liên quan.
Canada tuyên bố nước này sẽ tái khẳng định chủ quyền đối với vùng cực Bắc (Far North) tại hội nghị cấp ngoại trưởng 5 nước trên, dự kiến sẽ diễn ra sau hai tuần nữa ở tỉnh Quebec (Canada). Người phát ngôn của ngoại trưởng Canada, bà Catherine Loubier, cho biết Canada có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền trên đất liền, trên các hòn đảo và trên biển tại vùng Bắc Cực thuộc Canada. Chính phủ Canada coi Bắc Cực là một khu vực an ninh, thịnh vượng và giàu tài nguyên nằm trong chủ quyền của Canada. Chính phủ Canada sẽ chịu trách nhiệm về tương lai khu vực này một cách nghiêm túc. Bà Loubier cũng nhấn mạnh Canada đã cam kết xây dựng một trạm nghiên cứu “tầm cỡ thế giới” tại vùng Đài nguyên Bắc cực (High Arctic), tiếp tục công tác lập bản đồ vùng lãnh hải và tài nguyên ở miền Bắc Canada, đồng thời đang hành động để giảm ô nhiễm và tăng cường an ninh hàng hải tại đây. Ngoài ra, Chính phủ Canada cũng thông báo sẽ thành lập một hạm đội tuần tra tại Bắc Cực, xây dựng một cảng nước sâu, mở rộng và tăng cường vũ trang cho lực lượng biệt kích Canada tại đây.
Cùng ngày, Chính phủ Na Uy cũng bác bỏ tuyên bố trên của Tổng thống Nga Medvedev, cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ. Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere nhấn mạnh Nga đang tham gia tích cực trong Hội đồng Bắc Cực, Hội đồng khu vực biển Barents và các diễn đàn khác, nơi vấn đề Bắc Cực nằm trong chương trình nghị sự chính. Từ năm 1970, Na Uy và Nga đã tranh cãi đòi chủ quyền đối với 176.000 km2 tại vùng biển Barents, được coi là có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt khổng lồ.
Cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát vùng biển Bắc Cực băng giá, nơi được đánh giá đang “lưu giữ” 25% trữ lượng dầu khí chưa khai thác trên thế giới, cùng những tranh chấp chủ quyền liên quan mới chỉ “nóng lên” vài năm trở lại đây, nhưng đã là tiêu điểm khiến cộng đồng quốc tế quan tâm.