28/01/2010 - 20:39

Cẩn trọng khi lấy ráy tai cho trẻ

* Con của tôi được 10 tháng tuổi. Mỗi khi tắm bé xong, bà ngoại hay có thói quen ngoáy tai cho bé bằng que nhựa hai đầu có quấn sẵn bông gòn để làm vệ sinh. Xin hỏi, việc ngoáy tai có ảnh hưởng sức khỏe của bé?

ĐẶNG HOÀNG OANH (Quận Cái Răng, TP Cần Thơ)

* Trả lời:

- Thông thường, việc ngoáy tai vệ sinh thì không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, việc ngoáy tai phải hết sức thận trọng, do da ống tai có nhiều tuyến đặc biệt tiết ra chất (gọi là ráy tai) có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai tránh bị tổn thương và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, ống tai của trẻ thường rất nhỏ so với que bông 2 đầu, nên khi ngoáy thường xuyên sẽ làm cho ráy tai không tự vận chuyển rơi ra ngoài được. Ráy tai sẽ tích tụ dần thành nút ráy tai, khi đó sẽ gây phiền phức cho trẻ, như: giảm sức nghe, ù tai, đau tai và dễ gây nhiễm trùng tai. Một khi ráy tai đã chuyển thành nút ráy tai thì bạn không thể tự lấy được, mà phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để lấy ráy cho cháu, nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra như: rách ống tai ngoài, rách màng nhĩ; thậm chí một số trường hợp nặng nề gây tổn thương cả mê nhĩ ở tai trong và não.

Bác sĩ CHÂU CHIÊU HÒA (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết