16/05/2011 - 08:51

Ngành cơ khí TP Cần Thơ

Cần trợ lực để phát triển

Hiện nay, ngành công nghiệp cơ khí của TP Cần Thơ đã sản xuất được một số máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản của thành phố cùng một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù có nhiều tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, nhưng ngành cơ khí của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa xứng tầm với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.

* Tiềm năng

Theo Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí của thành phố đã sản xuất được các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, dụng cụ sạ hàng, thùng suốt lúa, các dây chuyền máy phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông- thủy sản, máy nghiền thức ăn gia súc, các loại băng tải, khung nhà tiền chế,... Sự đa dạng sản phẩm của các DN cơ khí đã góp phần đáp ứng nhu cầu trang bị máy móc, thiết bị cho các ngành sản xuất trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ.

Sản xuất băng chuyền tải gạo tại DNTN Cơ khí Trung Anh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. 

Ông Nguyễn Văn Trung, chủ DNTN Cơ khí Trung Anh (quận Cái Răng), cho biết: “Sản phẩm chính của DN là dây chuyền sấy cám và các loại máy phục vụ cho ngành chế biến lúa gạo. Trung bình mỗi năm, chúng tôi cung ứng ra thị trường trên dưới 10 dây chuyền sấy cám với công suất từ 4-10 tấn/giờ”. Tham gia vào ngành sản xuất cơ khí trong vòng 10 năm trở lại đây, DNTN Cơ khí Trung Anh đã mở rộng thị trường ra khắp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, năm 2008, DN còn xuất khẩu được hai dây chuyền sấy cám sang Indonesia.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có một số DN sản xuất được máy gặt đập liên hợp để đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp của thành phố. Các DN cũng từng bước cải tiến chất lượng máy sao cho phù hợp với yêu cầu sản xuất của địa phương. Trong số các DN sản xuất máy phục vụ nông nghiệp có thể kể đến Công ty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), Cơ sở Cơ khí Năm Sanh (xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt), Cơ sở Cơ khí Tân Tiến 2 (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn)...

Trong những năm gần đây, các DN cơ khí của TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong việc nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều máy móc chuyên dụng phục vụ sản xuất, cung ứng ra thị trường một số mặt hàng cơ khí mang tính đặc trưng của DN. Một số DN cơ khí truyền thống đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ mới, mua sắm một số máy móc, trang thiết bị hiện đại để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.

* Cần trợ lực để phát triển

Theo Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương TP Cần Thơ, mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, song các DN cơ khí của TP Cần Thơ vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Hiện nay, các DN cơ khí chủ yếu sản xuất đơn lẻ theo đơn đặt hàng, lượng máy làm ra ít nên khó cạnh tranh với sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Sản phẩm làm ra cũng còn một số hạn chế như: độ ổn định chưa cao, khả năng thay thế các chi tiết máy khi gặp trục trặc còn hạn chế, mẫu mã chưa đa dạng... Một số thiết bị của máy phải nhập ngoại, nhưng chủ yếu đã qua sử dụng, nên khó kiểm soát được chất lượng. Công nghệ luyện kim trong nước còn rất thấp nên cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, đội ngũ công nhân lành nghề thiếu và hầu hết chưa qua đào tạo tại các trường chuyên ngành nên việc nghiên cứu, cải tiến công nghệ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo nhận định chung của các DN ngành cơ khí, hiện nay, giá điện, giá xăng dầu, phí vận chuyển, nguyên liệu, nguồn vốn là những áp lực lớn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất. Trong khi đó, DN còn phải cân đối giá thành sản phẩm để khách hàng chấp nhận gắn bó lâu dài, phải đảm bảo lợi nhuận và mức lương cho đội ngũ công nhân. Đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay, đa số DN thường chọn cách thu hẹp sản xuất, tập trung vào khai thác thế mạnh từ các sản phẩm chủ lực. Theo một DN ngành cơ khí ở TP Cần Thơ, hiện nay, các DN cơ khí chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng là chính. Bản thân DN cũng rất hạn chế trong việc nghiên cứu các sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm đến khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặc dù không thể mở rộng quy mô sản xuất nhưng trong thời điểm khó khăn chung DN sẽ tập trung cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm máy đặc thù, chờ thời cơ mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Hiện tại, thị trường của các sản phẩm cơ khí nội địa gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các loại máy nhập ngoại. Nếu DN chấp nhận co cụm sản xuất, không tìm cách cải tiến sản phẩm thì sẽ đối mặt nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”. Vì thế, DN cần tự lực vượt qua khó khăn, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN cơ khí ở TP Cần Thơ rất cần có những hỗ trợ về vốn, chính sách thúc đẩy phát triển ngành nghề, cơ hội quảng bá sản phẩm từ Trung ương và địa phương.

Sở Công Thương TP Cần Thơ đang xây dựng các đề tài, đề án nhằm giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp của thành phố trong tương lai trong đó có lĩnh vực cơ khí, như: Đề tài “Đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm của TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Đề án “Xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TP Cần Thơ đến năm 2020”, Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2015”. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, để giúp DN của thành phố giảm bớt khó khăn và ổn định sản xuất, thời gian tới, UBND thành phố giao Sở Công Thương thường xuyên nắm tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Phối hợp với một số Sở ngành, cơ quan... tìm hiểu thuận lợi, khó khăn của DN để từ đó tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Bộ Công Thương các giải pháp phù hợp, như: tạo thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi của Chính phủ, hỗ trợ đào tạo lao động... giúp DN ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn để phát triển tốt hơn, nhất là DN ngành cơ khí thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết