13/09/2009 - 20:09

Cần tổ chức lại hoạt động khai thác cát biển để đạt hiệu quả và an toàn

Nghề đánh bắt hải sản nước ta hiện luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về mặt kinh tế lẫn sự an toàn trên biển. Từ đầu năm 2009 đến nay, ngoài chuyện nhiều tàu thuyền gặp nạn do thiên tai sóng to gió dữ trên biển, thì lại có thêm vài thuyền của ngư dân bị tàu lạ bất ngờ gây tai nạn rồi bỏ đi, đây là điều rất đáng lo ngại. Làm sao để luôn được an toàn và giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác? Qua đó, nhằm tăng hiệu quả kinh tế của từng chuyến ra khơi sẽ là vấn đề sống còn của nghề khai thác biển!

Thiết nghĩ, Hội Nghề cá và bà con ngư dân cần phải vận động, tổ chức lại sản xuất cho nghề khai thác biển. Phải sớm hình thành những “tổ hợp tác an toàn trên biển”. Mỗi tổ độc lập tập hợp ít nhất 5-7 tàu thuyền là phương tiện đánh bắt của người trong dòng tộc hoặc bạn bè thân hữu cùng hạp ý nhau. Trong tổ cử ra “tàu chủ”, là tàu có trang bị đầy đủ và an toàn nhất. Thuyền trưởng là người có kiến thức, uy tín và kinh nghiệm, rồi cùng soạn thảo những điều ước chung để cùng nhau thực hiện. Quan trọng hơn hết là phải có sự phân công lao động hợp lý luân phiên hoặc cố định theo nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng và tự nguyện trong quá trình khai thác, tiếp liệu và vận chuyển sản phẩm ra vào bờ.

Tàu khai thác biển ở Cà Mau. Ảnh: THANH TÂM 

Mỗi đơn vị “tổ hợp tác an toàn trên biển” cũng cần có phương án đảm bảo thông tin liên lạc, phương án phòng tránh trú bão và ứng cứu khẩn cấp cho nhau. Cần trang bị đủ các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện, vật dụng cứu hộ và cả những quy định thông tin liên lạc trên biển với nhau, với đất liền, lực lượng hải quân, biên phòng gần nhất, để nắm bắt các thông tin về giá nhiên liệu, giá cả sản phẩm trên từng thị trường từ đất liền, để chọn nơi mua bán có lợi nhất, hoặc quan trọng hơn là để đối phó, ứng cứu kịp thời khi gặp tàu lạ uy hiếp, gặp thiên tai bão tố...

Mỗi tàu và từng đơn vị tổ hợp tác độc lập nêu trên nên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giáo dục ý thức an toàn trên biển cho nhau. Đồng thời, phải chịu sự kiểm tra các trang thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện, vật dụng phòng cháy chữa cháy, thuyền nhỏ, phao cứu sinh... trước khi qua các đồn biên phòng để ra khơi. Cần thiết hơn là nên cùng trao đổi thông tin, kiểm tra nhau tình trạng tàu thuyền, vị trí đang hoạt động mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình đánh bắt trên biển để kịp thời hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Các ngành chức năng và cơ quan đăng kiểm, các công ty bảo hiểm nên tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức cho những đội tàu đã ổn định tổ chức về luật lưu thông, đánh bắt trên biển, trên vùng thềm lục địa, vùng chồng lấn. Cùng những kiến thức về phòng tránh trú bão, cách nhận biết các hiện tượng thời tiết trên biển hay những kiến thức ứng phó trong tình huống phải đối mặt với tai nạn khẩn cấp, máy hư, tàu hỏng, hoặc kẻ xấu đe dọa... Nếu có quy định bắt buộc gắn chíp (thiết bị định vị) giám sát qua vệ tinh, các ngành có liên quan cần có sự hỗ trợ hợp lý để giúp bà con thực hiện cho tốt. Nếu như chưa có điều kiện gắn chíp cho tất cả tàu thuyền thì cũng nên gắn cho ít nhất là các “tàu chủ” của các đội tàu, đồng thời tiến hành kiểm tra trước khi ra khơi, bên cạnh việc kiểm tra các thứ trang bị cần thiết khác.

Hội Nghề cá, chính quyền các địa phương và các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho ngư dân của những đội tàu đã ổn định tổ chức tiếp cận và vay được nguồn vốn kích cầu có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để ngư dân có thể nâng cấp máy móc, mua sắm đủ trang bị an toàn trên biển theo đúng quy định và cả việc gắn chíp quản lý qua vệ tinh. Hội Nghề cá cũng nên mở cuộc vận động phong trào “An toàn-hiệu quả” trong khai thác biển. Qua đó, sẽ tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm, trao đổi tổ nhóm nhằm tuyên truyền vận động hội viên chấp hành tốt những quy định trang bị an toàn trước khi ra khơi. Hội nên có phương án và lộ trình phù hợp hỗ trợ hội viên mua sắm trang thiết bị, thay mới công nghệ, máy móc, phương tiện... để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong khai thác, bảo quản tiêu thụ sản phẩm.

Lực lượng biên phòng ở các cửa biển, hải quân tuần tra trên biển khi kiểm soát, kiểm tra những phương tiện thiết yếu trên trước khi cho tàu ra khơi hoặc khi tàu thuyền trong vùng trách nhiệm chuẩn bị đối phó áp thấp, bão... Kiên quyết xử lý, không cho ra khơi những tàu thuyền hoạt động đơn lẻ, trang thiết bị không đảm bảo an toàn, hoặc bắt buộc phải chấp hành sự cứu hộ về nơi an toàn trước khi đón bão, áp thấp...

KS NGUYỄN VĂN THƯỚC

Chia sẻ bài viết