16/04/2008 - 21:23

Cơ quan nhà nước làm việc ngày thứ bảy

Cần tính toán kỹ, tránh lãng phí !

Ngày thứ bảy, mặc dù Phòng Hộ tịch (trực thuộc Sở Tư pháp) “mở cửa” cả ngày nhưng rất ít người dân đến liên hệ giải quyết công việc.

Thực hiện Quyết định 127/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại TP Cần Thơ, từ tháng 9-2007, cơ quan hành chính các cấp đã tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có một số lĩnh vực người dân, doanh nghiệp có nhu cầu làm việc vào ngày thức bảy, nên tại các cơ quan hành chính vào ngày này thường rất vắng “khách”, nhất là bộ phận “một cửa” cấp xã và huyện...

* Thứ bảy: “mở cửa” nhưng vắng “khách”!

Cùng ngồi với các cán bộ của bộ phận “Tiếp nhận, trả kết quả” của UBND xã Trường Thành (huyện Cờ Đỏ) sáng thứ bảy (ngày 5-4-2008), cả buổi sáng hôm đó, chúng tôi nhận thấy không có người dân nào đến liên hệ giải quyết thủ tục giấy tờ. Anh Huỳnh Văn Hậu, cán bộ địa chính - xây dựng xã, cho biết: “Lĩnh vực đất đai thường có số lượng hồ sơ nhiều hơn một số lĩnh vực khác, nhưng ngày thứ bảy cũng rất ít người dân đến liên hệ giải quyết. Từ khi làm việc ngày thứ bảy, lãnh đạo xã cũng chỉ đạo cán bộ ghi chép cẩn thận số hồ sơ tiếp nhận trong ngày, nhưng ngày nào nhiều nhất cũng chỉ 5 hồ sơ. Tính ra, số cán bộ “một cửa” phải tham gia làm việc ngày thứ bảy thường... nhiều hơn số người dân đến liên hệ giải quyết công việc hành chính !”.

Còn tại huyện Phong Điền, theo báo cáo sơ kết việc thực hiện làm việc ngày thứ bảy của UBND huyện, bình quân chỉ có 4 người dân đến liên hệ nộp hồ sơ, thậm chí có ngày thứ bảy chỉ có 1 hồ sơ! Hồ sơ không nhiều nhưng để việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được thực hiện giống như ngày làm việc khác trong tuần, UBND huyện Phong Điền vẫn phải bố trí đầy đủ các cán bộ “một cửa” phục vụ tại đây cả ngày thứ bảy. Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Ngày thứ bảy, người dân và doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết công việc rất ít, thường chỉ có những trường hợp công việc gấp lắm mới đến. Bố trí cán bộ làm việc ngày thứ bảy nhưng không có việc để làm cũng gây tâm lý chán nản cho cán bộ”.

Các huyện còn lại như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt cũng trong tình cảnh tương tự: Thứ bảy, cơ quan “mở cửa” nhưng “khách” rất vắng. Riêng địa bàn quận Ô Môn, Ninh Kiều, có người dân đến liên hệ nhưng cũng không nhiều.

Đối với cấp thành phố, đến nay đã có 9 sở, ngành tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, các lĩnh vực quy định tiếp nhận giải quyết vào ngày thứ bảy cũng không nhiều, chủ yếu là các hồ sơ đơn giản, không phải thẩm tra, xác minh. Tại Sở Tư pháp thành phố, từ tháng 9-2007, các bộ phận được bố trí làm việc vào ngày thứ bảy, gồm: phòng hộ tịch và hai phòng công chứng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện 3 tháng, số lượng hồ sơ không nhiều, Giám đốc Sở Tư pháp đã có công văn đề nghị UBND thành phố Cần Thơ cho phép Sở chỉ “mở cửa” buổi sáng thứ bảy hàng tuần, buổi chiều nghỉ không làm việc. Bộ phận “một cửa liên thông” đặt tại Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư) còn “ngặt nghèo” hơn. Ông Trần Thanh Phương, Trưởng Phòng Đăng ký Kinh doanh, cho biết: “Từ khi thực hiện quy định làm việc ngày thứ bảy, cán bộ Phòng Đăng ký Kinh doanh chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, do thủ tục này đã được liên thông, nên nếu chỉ có cán bộ của Phòng làm việc thì cũng không thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh mới được. Doanh nghiệp cũng nhận thức được điều này nên ngày thứ bảy chẳng mấy khi họ đến liên hệ giải quyết hồ sơ”.

* Giải quyết chế độ cho cán bộ làm việc ngày thứ bảy: Rối!

Theo Quyết định 127/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức làm việc ngày thứ bảy, cán bộ công chức làm việc ngày thứ bảy sẽ được bố trí nghỉ bù vào ngày khác, bảo đảm làm việc 40 giờ trong tuần. Trường hợp cán bộ công chức làm thêm giờ sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức làm việc ngày thứ bảy, thành phố Cần Thơ đã gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, kiến nghị: “Nếu làm việc cả ngày thứ bảy thì số giờ làm việc của cán bộ, công chức vượt quá 400 giờ/năm, vi phạm thời giờ làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, chỉ nên tổ chức làm một buổi sáng thứ bảy hàng tuần, để địa phương có cơ chế giải quyết chế độ làm thêm giờ cho cán bộ. Đồng thời, thực tế số lượng người dân đến liên hệ giải quyết công việc vào chiều thứ bảy thường rất ít. Hiện nay, huyện cũng đang “rối” về việc trả tiền làm thêm giờ cho cán bộ, vì nếu không trả sẽ vi phạm pháp luật lao động; nếu trả thì không biết vận dụng quy định nào”.

Riêng đối với Bộ phận “một cửa liên thông” Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), theo ông Trần Thanh Phương, Trưởng phòng, đến nay cán bộ tham gia làm việc ngày thứ bảy vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách làm thêm giờ. Nguyên nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa hướng dẫn thực hiện. Còn đối với việc giải quyết cho cán bộ nghỉ bù thì Phòng không thể giải quyết được, vì hoạt động của bộ máy một cửa liên thông đã có quy chế giữa 3 ngành: Công an, Cục Thuế và Phòng Đăng ký kinh doanh, nên không thể tùy tiện cho phép cán bộ nghỉ bù được.

Đối với cấp xã, phường, hiện nay việc giải quyết chế độ làm thêm giờ ngày thứ bảy, có nơi thực hiện, có nơi không; có nơi thanh toán không đúng số giờ làm việc thực tế của ngày thứ bảy. Chẳng hạn: các xã thuộc huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh chưa thực hiện thanh toán chế độ làm việc ngày thứ bảy; các xã, thị trấn huyện Phong Điền lại chỉ thanh 50% số giờ thực tế làm việc. Ông Nguyễn Văn Huống, cán bộ “một cửa” xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), cho biết: “Mặc dù ngày thứ bảy làm việc nguyên ngày, nhưng khi thanh toán chỉ được chi trả từ 12 đến 16 giờ/tháng. Chúng tôi có thắc mắc nhưng chưa thấy huyện trả lời!”.

* Tính toán kỹ, tránh lãng phí!

Theo thống kê của một số sở, ngành, quận, huyện, kể từ khi làm việc ngày thứ bảy, chi phí điện, nước sinh hoạt trong cơ quan, đơn vị đã tăng lên khoảng 10% so với trước. Ông Phạm Văn Hiểu, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, cho biết: “Do ngày thứ bảy, một số bộ phận vẫn làm việc như các ngày khác trong tuần, nên các nhu cầu về điện, nước tăng, mặc dù Sở đã chỉ đạo cán bộ phải tiết kiệm tối đa. Chi phí điện nước tăng, cộng với việc phải chi trả tiền làm thêm giờ cho cán bộ làm việc ngày thứ bảy, đã làm tăng kinh phí hoạt động thường xuyên”.

Điều mà các cơ quan hành chính đang tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy băn khoăn nhất là: cán bộ nhiều, người dân ít, nhưng các chi phí cho ngày làm việc thứ bảy thường không “kém” gì ngày làm việc bình thường. Trong khi đó, cơ quan tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy còn phải trả tiền làm thêm giờ cho cán bộ. Mọi chi phí này đều phải chi từ ngân sách, nên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ theo chủ trương giao tự chủ kinh phí, biên chế hoạt động của Chính phủ. Hiện nay, đã có nhiều cơ quan hành chính có văn bản kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ cần xem xét quyết định việc tổ chức làm ngày thứ bảy có nên tổ chức làm cả ngày hay chỉ làm một buổi? Những lĩnh vực trong thực tế không có nhiều hồ sơ có nên làm thêm ngày thứ bảy không?

* * *

Trả lời vấn đề này, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: “UBND thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị sơ kết việc tổ chức làm việc ngày thứ bảy, để có quyết định cụ thể về cơ quan, lĩnh vực thực hiện làm việc ngày thứ bảy và vấn đề giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức tham gia. Theo tôi, các địa phương, sở, ngành cần báo cáo trung thực về tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với đơn vị mình, để UBND thành phố xem xét, quyết định”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết