15/12/2008 - 21:05

Cần Thơ trước vấn nạn ô nhiễm nguồn nước!

*  Đ. Khôi - H. Văn

Bài 2: Còn chờ các dự án

Thực trạng, độ ô nhiễm trong nước sông Hậu đang tăng dần là vấn đề bức xúc của chính quyền và người dân. Thành phố đã có nhiều kế hoạch, dự án để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thế nhưng hiệu quả ra sao?

Giải quyết ngập nghẹt trong hẻm: chờ dự án

Mương lộ Nguyễn Văn Cừ bị mất chức năng thoát nước do nhà dân lấn chiếm.  

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, TP Cần Thơ hiện có trên 1.000 đơn vị, gồm nhà máy, xí nghiệp, chợ, bệnh viện, nhà bảo sanh, trạm y tế có chất thải rắn và nước thải có chứa hóa chất gây hại như sắt, lưu huỳnh, amonic, phosphor, vi sinh vật hiếu khí. Các đơn vị này lại nằm đan xen trong khu dân cư, xả nước thải vào hệ thống thoát nước sinh hoạt của người dân.

Ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, hiện có 103 tuyến đường nhưng chỉ có 28 tuyến đường có hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh, như đường 30-4, 3-2, Trần Văn Khéo... Còn lại là những tuyến đường có cống thoát nước được xây dựng hàng chục năm nhưng đã xuống cấp; có những tuyến đường thoát nước bằng kênh, rạch tự nhiên nhưng tình trạng xây dựng lấn chiếm đã gây nên ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những khu dân cư ở phường An Hòa (quận Ninh Kiều) thoát nước thải nhờ vào mương lộ Nguyễn Văn Cừ nằm dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ, rạch Ve Chai và rạch Sau, chảy ngoằn ngoèo trong các khu vực 3, 4, 5,... thoát nước ra rạch Ngỗng. Mấy mươi năm qua, trên mương lộ Nguyễn Văn Cừ đã mọc lên dãy nhà mặt tiền, thậm chí có cơ quan, trường học. Còn rạch Ve Chai và rạch Sau cũng bị người dân lấn chiếm, lòng rạch bị rác thải bồi lắng gây cảnh mùa nắng ngập nghẹt hôi thúi, là ổ phát sinh ruồi, muỗi; mùa mưa hoặc đợt triều cường, rác từ lòng rạch tràn vào khu dân cư. Ông Trần Văn Lộc, ở đầu hẻm 286 Nguyễn Văn Cừ, bức xúc: “Vào đợt triều cường, nước thải ngập nền nhà tôi cả tuần. Cả nhà ăn cơm không vô vì mùi nước cống quá tanh hôi. Mấy đứa cháu tôi còn bị sốt xuất huyết. Cả xóm này ai cũng chịu cảnh khổ như vậy. Cán bộ phường thường xuyên hướng dẫn chúng tôi diệt lăng quăng để phòng dịch, nhưng chỗ nào cũng gặp cảnh nước đọng thì diệt làm sao xuể”.

Hiện nay, nhiều khu vực trong các phường An Phú, Xuân Khánh, An Nghiệp, người dân sống chung với tình trạng ô nhiễm nước thải. Hệ thống thoát nước thải trong địa bàn này nhờ vào rạch Tham Tướng và rạch Bần. Con rạch Tham Tướng dẫn nước từ sông Cần Thơ (tại cầu Sắt Sập, cuối của đường Mậu Thân, thuộc phường Xuân Khánh) đổ vào rạch Bần, ăn thông qua đường 3-2 (cầu Số 2) nối với rạch Ngỗng. Vào năm 1996, thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường Mậu Thân và đường 30-4, thành phố đã dỡ bỏ cầu rạch Bần (đường Mậu Thân) và cầu Tham Tướng (đường 30-4) để thay bằng cống hộp. Đến năm 2004, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, cũng thay cầu Số 2 bằng cống hộp. Lòng rạch vừa bị cống hộp làm bịt dòng chảy vừa gánh chịu rác thải từ mấy trăm căn nhà sàn, rạch Tham Tướng trở thành “điểm đen” về môi trường. Kết quả xét nghiệm mẫu nước tại cầu Sắt Sập, do Trung tâm Quan trắc môi trường thành phố thực hiện vào tháng 10-2008 cho thấy, tỷ lệ coliform lên đến gần 18 triệu MNP/100 ml, vượt 4.000 lần so với chỉ tiêu cho phép, độ ô nhiễm này tương đương với nước trong hầm cầu. Cách vị trí này khoảng 500 mét (ở phía sau cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) là miệng hút nước của Nhà máy nước Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Trước khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương (năm 2003), TP Cần Thơ cũ đã đầu tư kinh phí 250 triệu đồng để nạo vét mương lộ Nguyễn Văn Cừ, rạch Bần và rạch Tham Tướng bằng phương pháp thủ công, nhưng việc nạo vét không hiệu quả do khối lượng bùn lắng quá lớn, người dân xây nhà sàn làm cản ngại”. Theo quy định việc xử lý thoát nước thải trong các hẻm phải thực hiện theo phương án xã hội hóa, tức người dân góp tiền, công việc này đòi hỏi sự đồng thuận của các hộ dân. Trên thực tế, ở rất nhiều con hẻm, tỷ lệ hộ đồng thuận góp tiền lên đến 90% nhưng vẫn không thực hiện được, vì số hộ còn lại có nhà cửa bị ảnh hưởng bởi việc đặt cống. Do vậy, khi thành phố triển khai Dự án Nâng cấp đô thị thực hiện từ nguồn vốn vay trả chậm của Ngân hàng Thế giới (WB), người dân đã trông chờ vào giải pháp xử lý mang tính tổng thể.

Dự án: vướng tái định cư

TP Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trọng điểm của cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện Dự án Nâng cấp đô thị. Mục tiêu chính của dự án là cải tạo, mở rộng, đặt cống thoát nước cho các con hẻm, nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ngập nghẹt gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 Hẻm 65 Lý Tự Trọng (Thời Trang) thuộc phường An Phú, quận Ninh Kiều bị ngập sâu mỗi khi triều cường lên cao. Ảnh: M.N

Dự án Nâng cấp đô thị Cần Thơ có tổng nguồn đầu tư lên đến trên 40 triệu USD, chính thức triển khai thực hiện từ năm 2004 và kết thúc vào năm 2012 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy, phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện trên 2 phường An Cư và An Hội (quận Ninh Kiều), gồm các hạng mục: nạo vét kênh Xáng Thổi và hồ Xáng Thổi (phường An Cư); cải tạo, nâng cấp 64 con hẻm và nâng cấp các trạm y tế, trường mẫu giáo ở cả 2 phường. Theo kế hoạch các phần việc này phải hoàn thành vào năm 2007, nhưng đến nay, dự án mới hoàn thành 80% khối lượng công việc do có đến 143 hộ cư trú ở hồ Xáng Thổi phải giải tỏa trắng, công tác giải phóng mặt bằng khu tái định cư Thới Nhựt gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị Cần Thơ, lo lắng nói: “Năm 2008, giá vật tư biến động, các nhà thầu đều gặp khó khăn, Ban quản lý Dự án đã xin nhà tài trợ gia hạn thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến tháng 4-2009. Giai đoạn 2 của Dự án, sẽ thực hiện trên 11 phường, các hạng mục gồm: cải tạo, nâng cấp 118 con hẻm, lắp đặt 11.000 mét cống, cải tạo 8 rạch thoát nước (trong đó có mương lộ Nguyễn Văn Cừ, rạch Bần và rạch Tham Tướng), nâng cấp 7 trường học và 5 trạm y tế. Để dự án được kết thúc đúng tiến độ, công tác giải tỏa di dời 560 hộ dân phải thực hiện từ đầu năm 2008. Thế nhưng hiện nay, khu tái định cư Thới Nhựt rộng 5,7 ha đang trong giai đoạn đền bồi”.

Cùng với Dự án Nâng cấp đô thị Cần Thơ là Dự án Thoát nước và xử lý nước thải, thực hiện bằng nguồn vốn ODA tương đương 14,31 triệu euro do Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) tài trợ, trong đó, có 4,6 triệu euro vốn đối ứng. Hiệp định vay vốn được UBND thành phố ký với nhà tài trợ để Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ thực hiện (từ năm 2003-2007), gồm các hạng mục: xây dựng khoảng 11 km cống bao trên nhiều tuyến đường ở quận Ninh Kiều, trong đó, có 414 hố ga, 9 hố van xả và 9 trạm bơm để thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Thế nhưng đến nay, thời hạn vay vốn hết hiệu lực, công trình mới triển khai phần việc đặt cống bao ở một số tuyến đường: Mậu Thân, Nguyễn Việt Hồng, Đề Thám, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng,...

Về việc này, ông Trương Quốc Trạng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, giải thích: “Do mặt bằng thi công các tuyến cống, trạm bơm đều vướng công trình xây dựng, thiết kế các hạng mục phải điều chỉnh nhiều lần. Hiện nay, mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn 20 căn nhà chưa di dời. Công ty đã có văn bản báo cáo, xin lãnh đạo thành phố đề nghị nhà tài trợ gia hạn thời gian vay nợ và hỗ trợ giải quyết khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng để công trình đặt cống bao và xây dựng nhà máy thu gom nước thải được tiến hành nhanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Hậu do việc xả nước thải sinh hoạt. Hiện nay, thành phố có 28 tuyến đường có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, nhưng nước thải lại thoát ra sông Hậu theo 17 cửa xả”.

Thời điểm thành phố ký kết hiệp định vay vốn với KFW, tỷ giá đồng euro so với tiền đồng Việt Nam là 15.360 đồng/euro. Trong văn bản Công ty TNHH Cấp thoát nước đề xuất lãnh đạo thành phố xin nhà tài trợ gia hạn thời gian vay vốn, công ty đã ước tính tỷ giá euro là 27.000 đồng/euro cho thấy số tiền đồng Việt Nam chi cho vốn đối ứng phải tăng hơn 56,8% cho mục tiêu xử lý nước thải nhưng chưa biết bao giờ dự án mới phát huy hiệu quả.

* * *

Công bằng mà nói, nếu giai đoạn 2 của Dự án Nâng cấp đô thị bị chậm so với kế hoạch vì việc thực hiện gặp khó khăn trong công tác bồi hoàn, giải tỏa thì người dân sẽ thông cảm, bởi tại các khu dân cư có đường, hẻm được nâng cấp đời sống người dân được cải thiện rõ nét. Thế nhưng, với Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thì các công trình đặt cống đang làm người dân đô thị chịu cảnh ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Việc thi công kéo dài sẽ ảnh hưởng môi trường sống và mỹ quan đô thị. Để giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ ngoài sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố trong khâu giải phóng mặt bằng, còn đòi hỏi đơn vị thực hiện dự án phải chọn đơn vị thi công đủ năng lực vì các công trình xây dựng trạm bơm, tạm thu gom nước thải vốn đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao. Nếu không chú ý yếu tố này thì Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sẽ còn bị chậm trễ trong khâu xây dựng, tiếp tục làm người dân phiền hà.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết