14/04/2009 - 10:28

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ

Cần Thơ sẽ điều trị lao kháng thuốc cho bệnh nhân ở 10 tỉnh, thành ĐBSCL

Bệnh lao kháng thuốc đang là vấn đề đáng lo ngại trong công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay, bởi lượng bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng tăng cao. Trong khi đó, thời gian qua, việc điều trị lao kháng thuốc vẫn còn rất hạn chế. TP Cần Thơ là một trong 5 tỉnh, thành được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương chọn đầu tư triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc. Xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, cho biết:

- Theo ước tính của Chương trình Chống lao Quốc gia, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 4.000 trường hợp lao kháng thuốc.Tại TP Cần Thơ, bệnh lao kháng thuốc cũng đang là vấn đề đáng lo ngại của ngành y tế. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có điều tra cụ thể về tình hình lao kháng thuốc trên địa bàn TP Cần Thơ.

* Thưa bác sĩ, tại sao xảy ra tình trạng lao kháng thuốc, bệnh nhân lao kháng thuốc thường gặp những vấn đề gì trong quá trình điều trị?

 

- Điều trị bệnh lao không đúng, không đều, không đủ thời gian, bỏ điều trị là những yếu tố gây nên tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân lao. Việc điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc hết sức khó khăn; trường hợp kháng đa thuốc càng khó điều trị. Ngoài ra, điều trị lao kháng thuốc phải mất nhiều thời gian và tốn kém. Tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc thành công thấp, chỉ khoảng 50% đến 60%; trong khi đó, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao kháng thuốc khá cao. Bệnh nhân có thể gặp nhiều tai biến phụ trong quá trình điều trị.

Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, trước hết, bệnh nhân lao cần được phát hiện, điều trị sớm, điều trị đúng phác đồ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lao cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ y tế: uống thuốc đúng thời gian, uống đều, uống đủ, không bỏ điều trị. Nhiều bệnh nhân lao được điều trị khoảng 2- 3 tháng, cảm thấy đã khỏe hơn, hết các triệu chứng của bệnh thì chủ quan, không uống thuốc đúng theo hướng dẫn, thậm chí bỏ điều trị. Điều này vô cùng nguy hiểm. Bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận những bệnh nhân lao phổi điều trị ở các cơ sở tư nhân thất bại gây ra kháng thuốc.

* Xin bác sĩ cho biết, bệnh viện đã có động thái gì để hạn chế tình trạng lao kháng thuốc xảy ra trên địa bàn thành phố?

- Trước hết, bệnh viện phải thực hiện tốt việc phát hiện sớm, điều trị, quản lý bệnh nhân lao. Phát hiện sớm, điều trị thành công là đã ngăn chặn được tình trạng kháng thuốc xảy ra đối với bệnh nhân lao. Định kỳ hàng tháng, bệnh viện đều có cán bộ chỉ đạo tuyến đến các địa phương để cùng cán bộ y tế cơ sở đi vãng gia. Qua đó, cán bộ y tế sẽ tư vấn, tuyên truyền trong cộng đồng về bệnh lao; giám sát việc tuân thủ trong điều trị đối với bệnh nhân lao... Đồng thời, bệnh viện cũng tổ chức các lớp tập huấn về chương trình chống lao, cập nhật kiến thức mới hàng năm về bệnh lao cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Năm 2008, tại TP Cần Thơ, việc điều trị lao thành công trên 91% bệnh nhân lao được điều trị thành công (âm hóa nguồn lây); tỷ lệ bỏ điều trị dưới 1%. Thực hiện tốt chương trình chống lao sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lao kháng thuốc.

* Một trong những nguyên nhân gây ra lao kháng thuốc là bệnh nhân điều trị không đến nơi đến chốn, không đúng phương pháp... tại các cơ sở y tế tư nhân. Đối với tình trạng này, cần có giải pháp gì, thưa bác sĩ?

- Hiện tại chưa có đề cương hướng dẫn điều trị bệnh lao cho mạng lưới y tế tư nhân. Khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương xây dựng đề cương hướng dẫn, chúng tôi sẽ triển khai tập huấn điều trị lao cho hệ thống y tế tư nhân nhằm góp phần hạn chế lao kháng thuốc xảy ra.

Một thông tin đáng mừng, TP Cần Thơ là 1 trong 5 tỉnh, thành được chọn triển khai dự án điều trị bệnh lao kháng thuốc. Năm 2010, bệnh viện được giao chỉ tiêu để điều trị cho 50 bệnh nhân lao kháng thuốc. Bước đầu, bệnh viện sẽ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân tại TP Cần Thơ. Sau đó, sẽ mở rộng điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc ở 10 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL (trừ Long An, Tiền Giang, Bến Tre). Đây là điều kiện để bệnh viện phát hiện, điều trị, quản lý tốt hơn đối với bệnh nhân lao kháng thuốc, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng.

* Bệnh viện đã chuẩn bị những gì để triển khai tốt việc điều trị bệnh lao kháng thuốc, thưa bác sĩ?

- Bệnh viện phải chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ. Về nhân lực, bệnh viện đã cử bác sĩ, điều dưỡng theo học các khóa đào tạo về điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao kháng thuốc tại Hàn Quốc và Philippines; tham dự lớp tập huấn về chống nhiễm khuẩn ở Hà Nội. Y, bác sĩ đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Bệnh viện cũng đã có kế hoạch từng bước cải tạo phòng ốc, mua sắm thêm máy móc thiết bị. Một số trang thiết bị đã được cấp về, và bệnh viện cũng đang đề nghị được đầu tư mua sắm thêm những máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện đã làm đề nghị gửi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương về việc xây dựng Khoa điều trị bệnh lao kháng thuốc.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

S. KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết