25/02/2023 - 09:18

Cần Thơ đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển 

Bài, ảnh: ANH KHOA

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số (CÐS) thời gian qua và triển khai hoạt động Ban Chỉ đạo CÐS và Ðề án 06 TP Cần Thơ năm 2023. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ban ngành thành phố và quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện Kế hoạch CÐS năm 2023 và Kế hoạch 5 năm về CÐS, xem CÐS là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mỗi cơ quan, đơn vị chọn ít nhất 1 nội dung trọng tâm CÐS trong lĩnh vực của ngành, địa phương nhằm tạo bước đột phá CÐS trong năm 2023.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố và quận, huyện quyết liệt thực hiện CÐS trong năm 2023. 

Kết quả đạt được

Kết quả đẩy mạnh CÐS trong năm 2022, thành phố đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu chưa đạt, 2 chỉ tiêu chưa xác định; đã hoàn thành 58/75 nhiệm vụ, chưa hoàn hành 17 nhiệm vụ. Các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã thành lập Ban Chỉ đạo CÐS tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên toàn địa bàn thành phố. Các hệ thống dùng chung: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS; các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch từng bước phát triển; một số lĩnh vực ưu tiên CÐS được các sở, ngành quan tâm nhiều hơn…

Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố đã được chú trọng đầu tư và phát triển, thuê bao Internet đạt tỷ lệ 98%, có 62% hộ gia đình có kết nối mạng cáp quang, trên 73% người dân trưởng thành có thiết bị di động thông minh và 90% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng TP Cần Thơ, Trung tâm Dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì ổn định, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố…

Về phát triển nền tảng số và dữ liệu số, triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số cho hộ gia đình, tổ chức, cơ quan là 274.693 địa chỉ. Ngoài ra, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kho dữ liệu dùng chung thành phố làm nền tảng quan trọng cho triển khai chính quyền số; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức là 82% (14/17). Nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) đã hoàn thành hạng mục công việc chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu nền GIS của 24 lớp dữ liệu. Triển khai các nhiệm vụ theo Ðề án 06 của Chính phủ (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030); trong đó số hóa dữ liệu được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 105.418. Về số hóa các dịch vụ công thiết yếu (25 dịch vụ thiết yếu thì có 9 dịch vụ công thuộc phạm vi tiếp nhận của thành phố), đã tích hợp được 9/9 dịch vụ công thiết yếu. Thành phố đã và đang số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đạt tỷ lệ 30%; thu thập số hóa dữ liệu dân cư, cấp số định danh cá nhân. Hoàn thành cơ sở dữ liệu hộ tịch đất đai tại 4 quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Ðiền và chuyển đổi dữ liệu đất đai nền tảng VILIS sang nền tảng VBDLIS tại quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh.

Một số lĩnh vực ưu tiên CÐS cũng đạt thành tựu nhất định. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục và đào tạo: 100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% cơ sở đào tạo triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Lĩnh vực du lịch: triển khai cổng thông tin du lịch thông minh; ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; tích hợp bản đồ số du lịch và đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch. Lĩnh vực nông nghiệp: cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản cho một số sản phẩm chủ lực của TP Cần Thơ với tên miền “chonongsancantho.vn”, đi vào hoạt động từ tháng 10-2021 và đến nay có 43 doanh nghiệp đăng ký với 133 sản phẩm; triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng thông qua mã QR được dán trên hàng hóa để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Lĩnh vực an ninh trật tự đã có 4/9 quận, huyện triển khai hệ thống trung tâm giám sát an ninh trật tự tích hợp các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, với tổng số 552 đầu camera; ngoài ra có hơn 3.500 camera được tích hợp tại các xã, phường.

Cần tạo bước đột phá CÐS 

Hiện nay, các sở, ngành thành phố đang tích cực triển khai thực hiện CÐS ngành trong năm 2023. Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Sở có ban hành các kế hoạch thực hiện CÐS. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là ngành tài nguyên và môi trường thành phố tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các quận, huyện Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Ðiền, Ô Môn, Vĩnh Thạnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện dự án số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ về đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, văn bản hành chính hiện đang lưu trữ tại các kho của trung tâm công nghệ thông tin; chuyển đổi cập nhật vào cơ sở dữ liệu các lĩnh vực tương ứng. Tập trung việc kết nối, cung cấp dữ liệu, dịch vụ vào nền tảng dùng chung của thành phố, đặc biệt là triển khai đường truyền dữ liệu chuyển đến văn phòng Ðăng ký đất đai và các chi nhánh. Hoàn thiện cung cấp các nền tảng dữ liệu số tài nguyên và môi trường từ nền tảng quy hoạch không gian thành phố (SPP) phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan vận hành hệ thống điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố…

Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, ngành Công Thương xác định thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố và thí điểm mô hình chợ 4.0 là nội dung trọng tâm thực hiện. Về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tập trung tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hộ kinh doanh… Ðến nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã triển khai tại 18/109 chợ trên địa bàn thành phố, vận động khuyến khích, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút tiểu thương và người tiêu dùng tham gia. Hiện có 3 doanh nghiệp đang phối hợp cùng thành phố triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: VNPT Cần Thơ, Viettel Cần Thơ, MobiFone Cần Thơ. Thời gian tới, ngành Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt triển khai được thuận lợi hơn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục vận động công chức, viên chức, tiểu thương, người tiêu dùng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ðể thực hiện CÐS, phát triển đô thị thông minh có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới, các sở, ban ngành thành phố và quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện Kế hoạch CÐS năm 2023 và Kế hoạch 5 năm về CÐS, xem CÐS là một trong những giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mỗi cơ quan, đơn vị (nhất là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp) cần chọn ít nhất 1 nội dung trọng tâm CÐS trong lĩnh vực của ngành, địa phương và đăng ký, cam kết với thành phố để triển khai thực hiện, là cơ sở tạo bước đột phá CÐS trong năm 2023. Thực hiện rà soát hiện trạng, nâng cấp mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, tập huấn cán bộ công chức, viên chức phục vụ CÐS và Ðề án 06. Ðối với các sở, ngành được phân công làm chủ đầu tư các nhiệm vụ, dự án của đề án đô thị thông minh, kế hoạch CÐS phải khẩn trương triển khai thực hiện… Chủ tịch thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp nền tảng dùng chung của thành phố, phục vụ người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng có hiệu quả; hỗ trợ, tư vấn cho các cơ quan, địa phương trong thực hiện CÐS.

Chia sẻ bài viết