29/12/2010 - 21:46

Sản xuất lúa GlobalGAP

Cần sự phối hợp chặt chẽ của "4 nhà"

Nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn khó khăn về đầu ra của
sản phẩm.

Từ mô hình sản xuất lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2008 đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang, trên diện tích 11,4ha, đến nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã nâng diện tích này lên hơn 185ha. Hiện nay, không chỉ có nông dân ở Tiền Giang mà tại các tỉnh như: Sóc Trăng, An Giang… cũng đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất theo GAP, GlobalGAP, VietGAP. Song, giá cả đầu ra, liên kết “4 nhà” của những mô hình này đang gặp nhiều khó khăn. Việc nhân rộng mô hình cần sự nhập cuộc của “4 nhà”, nhằm khuyến khích người trồng lúa và hướng đến xây dựng thương hiệu…

* Nhiều thay đổi tích cực

Hiện nay, trên thế giới có hơn 80 quốc gia và hơn 100 tổ chức có chức năng chứng nhận GlobalGAP. Thực hiện GlobalGAP đối với sản xuất lúa, phải kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, nhằm đảm bảo 4 tiêu chí: an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người lao động, an toàn cho môi trường và có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm, nhất là khi có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nông dân phải ghi nhật ký sản xuất và tuân thủ theo hàng trăm tiêu chuẩn quy định của GlobalGAP. Theo nhiều nông dân đã tham gia các mô hình sản xuất lúa GlobalGAP ở ĐBSCL, thì việc sản lúa theo tiêu chuẩn này không khó. Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy hiện các địa phương trong vùng đã có hơn 185ha sản xuất lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với các giống lúa như: OM 6162, Jasmine 85, lúa thơm ST.

Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, từ 15 nông hộ, với diện tích sản xuất ban đầu chỉ 11,4ha, đến nay HTX có 101 xã viên đạt chứng nhận GlobalGAP trên diện tích 95,6ha, sản xuất giống OM 6162. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, tháng 7-2010, mô hình sản xuất lúa tại HTX lúa tôm Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (giống lúa thơm ST) với 12 xã viên, diện tích canh tác 20ha và được Công ty cổ phần Gentraco bao tiêu sản phẩm, giá cao hơn thị trường 20- 25%. Hiện tỉnh An Giang cũng đã có 2 tổ hợp tác sản xuất lúa Jasmine 85 được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đó là Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Bình Chơn (ở ấp Bình Chơn, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú) với 12 nông hộ, canh tác trên diện tích 37ha và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, gồm 8 nông hộ, với diện tích 33,1ha. Hai tổ hợp tác này đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP từ tháng 8-2010, với thời hạn 12 tháng. Công ty TNHH ADC (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho 2 tổ hợp tác, với giá cao hơn 20% so với giá thị trường tại thời điểm thu mua.

Theo ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, ban đầu triển khai mô hình, nông dân rất ngại ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhưng nhờ được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ nông nghiệp địa phương, các xã viên trong HTX, nông dân đã nhanh chóng nắm bắt cách làm. Những quy định của GlobalGAP khắt khe, nhưng lúa bán giá cao hơn 20% so với giá thị trường và giảm được hơn 20% chi phí sản xuất do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Còn ông Võ Thành Nhơn, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết: “Nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất lúa đạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP không khó. Tính ra, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn này tăng thêm lợi nhuận trên 6,5 triệu đồng/ha. Song, cái khó đối với hầu hết nông dân khi muốn tham gia sản xuất lúa GAP là vốn đầu tư ban đầu lớn, nhất là đầu tư phân thuốc, nơi phơi sấy, chứa lúa... với chi phí từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tùy diện tích canh tác. Ngoài ra, điều lo lắng nhất là ở khâu đầu ra sản phẩm”. Do vậy, sau mô hình cần có sự nâng đỡ vững chắc của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác mới đủ khả năng duy trì và mở rộng mô hình.

* Cần liên kết “4 nhà”

Theo nhiều nông dân tham gia sản xuất lúa GlobalGAP, hiện nay đầu ra sản phẩm lúa GlobalGAP còn bị động về thời gian tiêu thụ sản phẩm và muốn bán được với giá cao hơn 20-25% so với giá thị trường phải trong chờ vào doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Bởi hiện tại, phần lớn nông dân chưa có kênh nào khác để có thể bán sản phẩm GlobalGAP với giá cao hơn thị trường từ 20% trở lên. Thường sau thu hoạch, nông dân sản xuất lúa GlobalGAP phải đem lúa vào kho cất trữ hàng tuần, thậm chí cả tháng để báo giá về công ty và chờ công ty thẩm định giá thị trường thời điểm đó. Khi hai bên thống nhất giá, công ty mới cử người xuống thu lúa và sau đó mới trả tiền, chứ không trả tiền ngay như bán lúa cho thương lái. Đây là khó khăn cho người trồng lúa, bởi sau thu hoạch, nông dân rất cần tiền để trang trải chi phí và chi tiêu gia đình.

Ông Trương Văn Hai, nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Vụ thu đông 2010, thu hoạch lúa xong, tôi chất lúa trong nhà cả tháng mà chưa bán được do phải chờ công ty định giá. Trong khi đó, giá lúa trên thị trường thì tăng từng ngày và thương lái ở bên ngoài tìm mua lúa ráo riết, nhưng đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty”. Còn ông Võ Thành Nhơn, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp Tân Tiến cho rằng, thời gian qua, ông cũng lo ngại lúa GlobalGAP bán không cao hơn giá thị trường, nên ông chỉ làm 6ha, còn lại 3ha sản xuất theo truyền thống để có chi phí trang trải ngay khi cần. Theo ngành nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL, để gỡ những khó khăn trên, đòi hỏi có sự tham gia bao tiêu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, giúp nông dân bán được giá cao. Mặt khác, người trồng lúa còn phải đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực, nên cần chính sách hỗ trợ cho họ, để người dân không bỏ ruộng.

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Kinh tế ngày càng phát triển, con người không chỉ quan tâm đến ăn ngon mặc đẹp mà ngày càng quan tâm nhiều đến các sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Do vậy, cần tạo ra các kênh phân phối sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn an toàn đến tay người tiêu dùng và làm sao cho người tiêu dùng có thể phân biệt nó với các loại gạo khác”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, không chỉ xuất khẩu mà ở thị trường trong nước cũng đang có nhu cầu rất lớn về các loại gạo ngon và an toàn. Việc quảng bá, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu và tin tưởng sản phẩm GAP, VietGAP, GlobalGAP... là rất cần thiết hiện nay.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng sản xuất lúa gạo theo GlobalGAP rất thích ứng với thị trường thế giới hiện nay. Mô hình sản xuất này phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa “4 nhà”. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân làm theo hướng GAP, VietGAP và tiến dần đến GlobalGAP để nâng cao dần chất lượng lúa gạo, tăng chuỗi giá trị hạt gạo Việt Nam. Cần có mô hình điểm và hướng dẫn nông dân đạt từng tiêu chí một, từ thấp đến cao và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa “4 nhà”, có phân công trách nhiệm cụ thể. Đó là con đường sản xuất lúa gạo bền vững và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.


Nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm.

Chia sẻ bài viết