Anh Huỳnh Văn Việt, ngụ khu vực Tân An, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt được nhiều người dân trong khu vực biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ chịu khó nghiên cứu, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, thời gian qua, anh Việt đã gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Hiện tại, 5 công đất trồng thanh long ruột đỏ của anh Việt cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ năm.
Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên anh Việt đã phải nghỉ học từ lớp 6 để ở nhà phụ giúp gia đình. Tập tành làm ruộng, chăm sóc vườn từ nhỏ nên anh Việt tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2006, gia đình anh Việt đầu tư trồng 5 công mận an phước. Thời gian đầu, mận cho năng suất cao và giá ổn định nên thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm. Nhưng sau này, mận an phước rớt giá không còn đứng vững trên thị trường cũng là lúc anh Việt phải tìm một hướng đi mới cho mình.

Mô hình thanh long ruột đỏ của anh Huỳnh Văn Việt mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sau khi nghe thông tin về mô hình trồng thanh long ruột đỏ của một nông dân ở Tiền Giang, anh Việt đã đến tìm hiểu. Qua nghiên cứu, anh Việt nhận thấy thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao và đặc biệt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất cù lao. Vì vậy, anh Việt quyết định đốn bỏ mận trên 2 công vườn để đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2011, anh đến Tiền Giang mua 400 hom giống (giá 7.000 đồng/hom) và thuê nhân công đổ 100 trụ bê tông để trồng thử nghiệm. Qua 8 tháng chăm sóc cẩn thận, vườn thanh long bắt đầu cho trái chiến. Vụ trái đầu tiên anh bán được 100 kg, giá 30.000 đồng/kg và về sau thì cứ cách 1 tháng là thu hoạch 1 lần. Anh Việt chia sẻ: "Thanh long ruột đỏ là loại cây thuộc họ xương rồng nên ưa nắng, thích sáng, rễ cạn nên đất trồng phải xốp, thông thoáng, không bị ngập. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán". Để thanh long phát triển tốt, đủ điều kiện quang hợp ánh sáng, anh Việt giữ khoảng cách từ 3 đến 4m cắm 1 trụ; mỗi trụ trồng 4 hom giống. Theo kinh nghiệm của anh Việt, thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc bởi phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là về giống, phân, nước và cách chăm sóc. Thanh long ruột đỏ có vỏ dày và cứng, màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt nên được nhiều người ưa chuộng. Về sức tiêu thụ đối với thanh long ruột đỏ, anh Việt cho biết: "Hiện nay, thị trường trong và ngoài nước rất thích loại trái cây này. Cứ tới đợt thu hoạch thì thương lái đến tận vườn thu mua
".
Qua thực tiễn, nhận thấy mô hình thanh long ruột đỏ thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua, anh Việt tiếp tục đốn bỏ 3 công mận còn lại để trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ chịu khó học hỏi, cộng thêm kinh nghiệm của bản thân nên công việc làm ăn của gia đình anh ngày càng nở nồi. Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của anh Việt có số lượng là 550 gốc và cho thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Để giúp thanh niên khu vực phát triển loại cây đặc sản này, anh Việt sẵn sàng bán hom giống cũng như hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, để giúp mọi người cùng vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Nhận xét về anh Việt, anh Trần Phước Sang, Bí thư đoàn phường Tân Lộc, nói: "Không chỉ là một thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi của địa phương, đồng chí Việt còn là người hòa đồng và thường xuyên chia sẻ hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt cho nhiều thanh niên trong khu vực. Mô hình thanh long ruột đỏ của anh Việt là một trong những mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới Đoàn phường sẽ nhân rộng mô hình này cho những thanh niên có nhu cầu phát triển giống cây triển vọng này".
Bài, ảnh: Thanh Thư