29/03/2015 - 06:27

Cần lắm đội ngũ kế thừa

Hiện nay, lực lượng sáng tác văn học cho thiếu nhi trong cả nước rất ít. Tại ĐBSCL, đội ngũ này lại càng khan hiếm. Trong khi đó, thiếu nhi là lực lượng độc giả thường xuyên và ngày càng đông đảo. Làm thế nào để phát triển đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi và viết như thế nào để hấp dẫn độc giả nhí?... là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm "Đội ngũ người viết, vẽ cho thiếu nhi nhìn từ ĐBSCL" do NXB Kim Đồng tổ chức, diễn ra vào tối 27-3-2015 tại Hội sách Cần Thơ.

Với sự dẫn dắt của nhà văn Trần Quốc Toàn, sự tham gia giao lưu của những người viết, vẽ truyện cho thiếu nhi ở ĐBSCL: nhà văn Mai Bửu Minh (Hội Văn học nghệ thuật An Giang); nhà văn, nhà giáo Võ Diệu Thanh, (Giáo viên dạy mỹ thuật tại An Giang); nhà văn, nhà giáo Trần Tùng Chinh (Trưởng Khoa Văn Trường Đại học An Giang); nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân, (Phân hội trưởng Phân hội văn học Đồng Tháp); nhà văn Trương Văn Tuấn (phóng viên tự do ở Bến Tre); nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Phước Thảo (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp) buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi và thú vị với nhiều vấn đề bức xúc được mở ra.

Các nhà văn, tác giả giao lưu tại buổi tọa đàm.

Các nhà văn, tác giả đã chia sẻ những kỷ niệm, động lực đưa mình đến với con đường sáng tác cho thiếu nhi, bạn đọc tuổi mới lớn; qua đó kêu gọi, khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn tập viết, thử sức với lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi như một cách lưu giữ những kỷ niệm đẹp của mình, đồng thời phát triển trí tưởng tượng để có được những tác phẩm hay. Nhà văn Mai Bửu Minh tâm tình: "Tôi xuất thân từ nông thôn, hồi nhỏ chỉ biết làm ruộng, chăn bò, lớn lên học đại học lại chọn ngành cơ khí nông nghiệp. Thế mà duyên nợ lại khiến tôi chuyển sang viết văn. Đến nay, tôi đã viết được 25 đầu sách. Trong đó, có 8 cuốn dành cho thiếu nhi, 8 cuốn dành cho tuổi mới lớn". Với nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn, từ khi được đọc cuốn "Đi hứng mặt trời" của NXB Kim Đồng, anh trở nên yêu thích dòng văn học này và bắt đầu viết những tác phẩm cho lứa tuổi teen. Bởi theo anh: "Sự tươi trẻ, năng động của lứa tuổi này cũng khiến tâm hồn mình như trẻ lại và tràn đầy cảm xúc".

Tuy nhiên, viết văn đã khó, viết cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân phân tích: "Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ của độc giả, nói hộ tâm tư tình cảm cho các bạn trẻ nên phải biết các em nghĩ gì, cần gì để có đề tài phù hợp. Có những tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng không được đón nhận vì xa rời thực tế và không thể hiện được tình cảm, mong ước của tuổi trẻ hiện giờ". Theo nhà giáo Võ Diệu Thanh: "Khi tác giả không hòa nhập được với tâm lý, tình cảm của tuổi mới lớn thì tác phẩm sẽ khó thu hút các bạn trẻ. Đặc biệt, người cầm bút thường bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, bởi những luân lý xã hội nên cách viết thường mô phạm, chuẩn mực, giáo điều mà ít có sự phá cách hay đầu tư sâu cho tác phẩm". Mặt khác, sách viết cho thiếu nhi thường khó tiêu thụ hơn sách viết cho người lớn cũng là vấn đề khiến những người sáng tác chùn chân.

Một thực trạng đáng nói hiện nay là văn hóa đọc đang dần bị văn hóa nghe nhìn và các phương tiện thông tin, giải trí hiện đại lấn át và ngày càng thu hẹp. Rất nhiều học sinh, sinh viên ngày càng lười đọc sách. Nếu có đọc cũng chọn truyện tranh thay vì những tác phẩm nhiều chữ. Đặc biệt là dòng truyện tranh của nước ngoài như: "7 viên ngọc rồng", "Thám tử Conan", "Đoraemon", "Naturo"… được các bạn trẻ yêu thích thay vì truyện tranh trong nước hay những tác phẩm ý nghĩa, mang tính giáo dục. Vậy làm thế nào để khiến các bạn trẻ yêu thích đọc sách hay quan tâm đến những tác phẩm văn học Việt Nam? Đây là những vấn đề được nhiều khán giả quan tâm, đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm.

Nhìn nhận vấn đề này, nhà văn Mai Bửu Minh cho rằng: không riêng gì những người viết cho thiếu nhi mà lực lượng sáng tác văn học nói chung đều băn khoăn trước áp lực của những phương tiện nghe nhìn, những chương trình giải trí trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có một lượng lớn độc giả yêu thích sách, yêu thích dòng văn học dành cho thiếu nhi. Đây cũng là nguồn động lực để các nhà văn tiếp tục sáng tác, cố gắng nâng cao chất lượng tác phẩm, nhất là viết đúng với tâm tư tình cảm, khát vọng, hoài bão của người đọc… Nhà giáo Võ Diệu Thanh đưa ra một gợi ý thú vị: "Các bạn thử sống không có tivi một thời gian xem sao. Thay vì xem truyền hình hãy dành thời gian để đọc sách báo hay tập viết văn. Tôi đã thực hiện điều này và thấy cuộc sống không bị ảnh hưởng gì nhiều, thậm chí còn sáng tác nhanh và nhiều hơn trước nữa". Nhà văn Nguyễn Phước Thảo kể về kinh nghiệm mà bản thân mình đã áp dụng thành công: "Con tôi cũng lười đọc sách. Thế là mỗi lần đưa sách yêu cầu con đọc, tôi sẽ thưởng tiền nếu con nói được nội dung, ý nghĩa của sách sau khi đọc xong. Khi con tôi dần yêu thích đọc sách và đòi tôi mua những quyển sách mới thì tôi không phải trả tiền đọc sách mà còn ra điều kiện con phải làm thế này, thế kia thì mới được mua sách"...

Hiện nay, đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi trong cả nước còn rất mỏng. Ở ĐBSCL, lực lượng này càng khan hiếm hơn. Do đó, tìm kiếm và phát triển đội ngũ kế thừa từ những người viết trẻ là điều cần thiết hiện nay. Những nhà văn, tác giả tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều gợi ý, đề xuất như: thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, tuổi mới lớn; thành lập trang web riêng để đăng tải những sáng tác mới, để những cây bút trẻ có nơi thể hiện mình; có những giải thưởng hay hoạt động tôn vinh những người viết cho thiếu nhi… Đặc biệt, sự bảo trợ của các NXB trong việc in sách cũng như sự liên kết, phát động viết cho thiếu nhi của các Hội VHNT các tỉnh ĐBSCL là những giải pháp hữu hiệu để gỡ khó cho vấn đề này.

Ông Cao Xuân Sơn, Giám đốc NXB Kim Đồng, khẳng định: "NXB Kim Đồng luôn tích cực hỗ trợ cho các tác giả viết cho thiếu nhi trong việc xuất bản sách. Hiện nay đang có chương trình hỗ trợ vốn của chính phủ để in những tác phẩm dành cho thiếu nhi, phát hành đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Số lượng phát hành lên đến 35.000 đến 40.000 bản/tác phẩm. Nếu tác giả hoặc bạn trẻ nào quan tâm đến văn học thiếu nhi, có đề tài phù hợp thì hãy mạnh dạn thử sức và gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng. Chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ để tác phẩm của các bạn được đến với đông đảo bạn đọc trong cả nước".

Bài, ảnh: CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết