31/07/2009 - 21:31

Phong trào nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã thả nuôi trên 355.000 ha tôm sú chính vụ, sản lượng thu hoạch ước đạt 120.000 tấn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2009, diện tích nuôi tôm sú toàn vùng đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ, hoặc chuyển sang trồng lúa. Tôm sú đang vào vụ thu hoạch, nhiều địa phương nuôi tôm dự đoán khả năng trúng mùa cao hơn năm rồi, nhưng giá cả và đầu ra cùng với những rủi ro về thời tiết hiện tại làm không ít người nuôi băn khoăn.

NGƯỜI NUÔI DÈ DẶT

Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều năm liền do nuôi tôm sú bấp bênh, khiến không ít nông dân từ bỏ con tôm sú làm cho diện tích nuôi tôm sú giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Trà Vinh có 18.170 hộ thả nuôi tôm sú với trên 1,2 tỉ con giống, diện tích nuôi gần 19.000 ha mặt nước, giảm trên 6.000 ha so với năm 2008. Và như mọi năm, nông dân nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm tại Trà Vinh đầu vụ nuôi tiếp tục đón nhận tin không vui vì các ao tôm liên tục bị thiệt hại. Trên 330 triệu con giống của gần 4.400 hộ nông dân nuôi tôm sú Trà Vinh bị thiệt hại với diện tích nuôi gần 5.300 ha. Các ngành chức năng dự báo, với đà này, sản lượng tôm sú ở Trà Vinh chỉ đạt 15.000 tấn trong năm 2009, giảm 5.000 tấn so với năm 2008; nếu tính bình quân 100.000 đồng/kg tôm, tỉnh sẽ mất khoảng 500 tỉ đồng từ tôm sú mang lại.

Huyện Duyên Hải, vùng trọng điểm nuôi tôm sú của tỉnh Trà Vinh có diện tích 14.000 ha (khoảng 9.900 hộ) thả nuôi hơn 750 triệu con tôm giống, nhưng có hơn 45% diện tích và con giống thả nuôi bị chết, chủ yếu ở giai đoạn 1,5- 2 tháng tuổi. So với cùng kỳ năm 2008, lượng con giống thả nuôi tại huyện đã giảm 50% và giảm 30% về diện tích. Ông Phan Văn Bửu, chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp 3,5 ha tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, than: “Tôi nuôi tôm sú đã 8 năm; trong 3 năm đầu thu nhập hàng trăm triệu, còn từ năm 2003 đến nay, năm nào cũng trắng tay do dịch bệnh và giá tôm bấp bênh. Hiện tôi đã nợ ngân hàng hơn 1,2 tỉ đồng, sổ đỏ cũng nằm trong ngân hàng chưa biết khi nào mới chuộc lại được”. Theo ông Bửu, không riêng trang trại nuôi tôm sú công nghiệp của ông “treo ao” mà từ đầu năm 2009 đến nay, trong 203 trang trại nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã Long Khánh có đến 200 trang trại xếp máy quạt nước ô xy, chuyển sang nuôi tôm quảng canh xen với cua biển. Ông Lâm Minh Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, trăn trở: “Phong trào nuôi tôm năm 2009 đìu hiu so với các năm trước. Năm 2008 huyện Duyên Hải có 850 trang trại nuôi tôm, nhưng trong vụ nuôi tôm 2009 này, toàn huyện chỉ có khoảng 200 trang trại nuôi tôm hoạt động. Từ hình thức nuôi tôm hiện đại công nghiệp người dân chuyển dần sang các hình thức nuôi: quảng canh cải tiến, tôm-rừng nhằm giảm bớt rủi ro. “Mỏ tôm” Duyên Hải đang dần teo tóp”. Điển hình như ở xã Long Khánh, năm 2008 toàn xã có 1.736 hộ nuôi tôm sú chuyển sang thả nuôi cua biển kết hợp tôm sú với diện tích 2.000 ha. Kết quả có 100% hộ thả nuôi cua đều có lãi từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/hộ.

Thương lái thu mua tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Còn tại tỉnh Cà Mau, địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm (khoảng 260.000 ha), mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2010, nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 10.000 ha. Thế nhưng, từ cuối vụ tôm 2008 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh giảm mạnh và chuyển sang đối tượng nuôi khác hoặc chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến. Theo tính toán của ngành chức năng, do nuôi tôm công nghiệp đầu tư chi phí cao (200-250 triệu đồng/1ha), người nuôi phải nắm vững qui trình kỹ thuật, trong khi rủi ro nuôi cao và giá bấp bênh. Trong 3 năm trở lại đây, nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn giảm mạnh. Ông Ngô Văn Tuấn, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi có 2ha nuôi tôm công nghiệp, vụ nuôi năm 2008 thu hoạch được 8 tấn tôm sú nhưng lỗ hơn 100 triệu đồng. Ngán lắm, nuôi tiếp thì sợ lỗ mà muốn nghỉ cũng không xong. Bây giờ nuôi 5 tháng mà chưa chắc có lời, trước đây chỉ 3- 4 tháng xổ đã lời”.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2008, tỉnh có 268ha/1.000ha nuôi tôm công nghiệp treo ao hoặc chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác nhằm tránh thua lỗ do biến động giá. Đến tháng 8-2009 này mà toàn tỉnh Cà Mau mới có 135 ha tôm công nghiệp thu hoạch”. Theo ông Nhận, năng suất tôm của Cà Mau đang chựng lại và có nguy cơ thụt lùi so với các địa phương khác trong vùng nếu không có giải pháp khắc phục ngay từ bây giờ. “Vựa tôm” của vùng đang đứng trước nhiều thách thức.

Giá tôm cuối vụ 2008 thấp, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại lớn làm ảnh hưởng diện tích của vụ tôm 2009. Không riêng gì Cà Mau, Trà Vinh, một số địa phương khác trong vùng, người nuôi tôm sú khá dè dặt ngay từ đầu vụ tôm 2009, do sự thiếu bền vững của mô hình. Tại tỉnh Kiên Giang và Bến Tre, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp cũng giảm mạnh so với năm 2008. Tại Kiên Giang, diện tích thả nuôi đạt 76.982 ha (đạt 90,5% kế hoạch và bằng 99,85% so cùng kỳ), trong đó nuôi công nghiệp và bán công nghiệp 789 ha, giảm hơn 35% so vụ tôm trước. Còn ở tỉnh Bến Tre, diện tích tôm sú thâm canh và bán thâm canh khoảng 3.600 ha, giảm trên 27,4% so với cùng kỳ. Hiện một số vùng nuôi tôm sú trong tỉnh Bến Tre theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến xen rừng đang thu hoạch, sản lượng đạt khá. Nhưng tình hình bệnh đốm trắng đã xuất hiện rải rác các vùng nuôi, tổng diện tích thiệt hại khoảng 148,3 ha.

CẦN QUI HOẠCH LẠI VÙNG NUÔI PHÙ HỢP

Diện tích nuôi tôm sú toàn vùng giảm, điều này làm nhiều hộ nuôi tôm hy vọng giá cả sẽ nhích lên do sản lượng sụt giảm và nhu cầu chế biến của nhà máy tăng vào cuối năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thị trường Nhật Bản và EU- thị trường chính của con tôm sú Việt Nam liên tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2009, nhưng hiện đang phục hồi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Cùng với hy vọng thị trường xuất khẩu phục hồi, giá tôm trong nước đang nhích lên và nhiều địa phương dự đoán khả năng trúng mùa là khá cao. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng về vụ tôm 2009, đến thời điểm hiện tại, diện tích tôm sú bị thiệt hại khoảng 2.000 ha trong tổng số hơn 43.000 ha thả nuôi và đã thu hoạch trên 3.000 ha. Năng suất của vụ tôm rất khả quan, mô hình nuôi quảng canh cải tiến bình quân 400kg/ha, bán thâm canh 2,5-3 tấn/ha và nuôi thâm canh 4-4,5 tấn/ha. Ngay vùng tôm-lúa của huyện Mỹ Xuyên cũng thu hoạch trên 300 ha, cỡ tôm trung bình 35-45 con/kg, nên hầu hết người nuôi đều có lời. Theo các tiểu thương, giá tôm sú vào giữa tháng 7-2009 tăng nhẹ trở lại; tôm sú loại 50 con/kg dao động 85.000-87.000 đồng/kg, loại 40 con/kg 88.000- 89.000 đồng/kg và 30 con/kg 100.000 đồng/kg.

Ông Võ Văn Bé- Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Nhìn chung, tình hình vụ tôm năm nay rất khả quan. Diện tích thiệt hại 2.000 ha đã được thả nuôi lại 1.267ha. Diện tích tôm nuôi năm nay chỉ đạt 90% kế hoạch, nhưng sản lượng vẫn đạt yêu cầu do khả năng trúng mùa của gần 18.000 ha tôm nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh là rất cao”. Theo ông Bé, đợt mưa kéo dài vào giữa tháng 7-2009 đã tác động đến mô hình nuôi thủy sản của tỉnh, nhưng người nuôi tôm đã chủ động xử lý môi trường ao nuôi theo đúng kỹ thuật được khuyến cáo, nên tôm vẫn phát triển tốt, kể cả những vùng nuôi quảng canh cải tiến và tôm-lúa. Hai hộ nuôi tôm sú Tăng Văn Cuôl ở xã Hòa Đông và anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Khánh Hòa (huyện Vĩnh Châu) cũng cho biết sau 4 tháng thả nuôi hiện tôm đang vào cỡ 35-40 con/kg và đã có thương lái đến chào mua xô với giá 88-90 ngàn đồng/kg. Anh Hùng cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị xổ bán vì tôm đang có giá. Nếu để nuôi thêm cũng được nhưng giá thức ăn đang nhích lên, trong khi giá tôm cỡ lớn không biết có giữ được  giá hay không vì hầu hết, thương lái đều tìm mua những vuông tôm đạt cỡ 35 con/kg trở lại”. Hiện nay, tôm cỡ nhỏ đang có giá, nên nhiều người nuôi đang tận dụng cơ hội này để xổ bán và không còn chờ giá như trước do lo ngại giá thức ăn đang tăng trở lại.

Những rủi ro về thị trường, diễn biến thời tiết phức tạp và vùng nuôi tôm đang bộc lộ nhiều yếu tố bất cập, buộc các địa phương phải tính toán lại vùng nuôi, phương án nuôi một cách bền vững hơn. Tại cuộc họp bàn về khôi phục hiệu quả vùng nuôi thủy sản của tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là con tôm sú, vào đầu tháng 7-2009, các đại biểu nhìn nhận nuôi tôm sú ở Trà Vinh bị thất bại là do nhiều nguyên nhân, như: nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng, kỹ thuật nuôi, giá tôm bấp bênh... Thời gian qua, việc nuôi tôm sú ở Trà Vinh theo hướng tự phát, việc qui hoạch vùng nuôi dựa vào tự nhiên. Việc quản lý và kiểm định con giống còn bất cập, Trà Vinh có khoảng 130 cơ sở ương, dưỡng giống tôm sú post, nhưng 80% cơ sở không đáp ứng được các điều kiện theo qui định sản xuất con giống như: không có tôm bố, các phương tiệm kiểm dịch, kiểm tra còn hạn chế... Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương quy hoạch lại vùng nuôi; vùng nuôi không còn hiệu quả phải vận động người dân chuyển sang nuôi con khác; đồng thời học tập kỹ thuật từ mô hình nuôi nghêu, cua hiệu quả để áp dụng nhằm hạn chế rủi ro cho người dân. Tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” từ Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), đồng thời qui hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

DƯƠNG TRƯỜNG MINH TÙNG

Chia sẻ bài viết