09/10/2014 - 21:40

Cần hiểu đúng về xét nghiệm tìm vi khuẩn HP

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng dẫn đến ung thư. Theo thống kê của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nước ta có khoảng 60-70% dân số nhiễm loại khuẩn này. Hiện ở TP Cần Thơ nhiều cơ sở y tế đã thực hiện được các xét nghiệm để tìm vi khuẩn HP. Riêng, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long là đơn vị đầu tiên trang bị kỹ thuật xét nghiệm HP qua hơi thở C13 Urea (các bệnh viện khác thực hiện C14 Urea). Để giúp bệnh nhân hiểu đúng về các loại xét nghiệm nhằm điều trị HP một cách hiệu quả, BS. CKI Trương Thái Minh, Trưởng khoa Khám Bệnh của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, hướng dẫn:

HP là loại xoắn khuẩn, cư trú dưới lớp chất nhầy trong niêm mạc dạ dày. Chính lớp chất nhầy dạ dày đã bảo vệ cho vi khuẩn HP khỏi sự tác động của axit trong dạ dày. Ngoài ra, HP còn sinh ra urease, một loại men thủy phân ure (có sẵn trong dạ dày) tạo ra môi trường kiềm thích hợp cho vi khuẩn phát triển. HP không chỉ gây viêm loét mà còn có thể gây nhiều bệnh lý khác ở dạ dày - tá tràng như rối loạn tiêu hóa không loét, u lympho ác tính, ung thư.

* Có 5 dấu hiệu liên quan, giúp bệnh nhân có thể nhận biết bị viêm loét dạ dày, tá tràng:

1/Đau vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu quan trọng và thường có ở tất cả các bệnh nhân mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Bệnh nhân thường cảm giác đau ngay ở thượng vị, ngay dưới mũi ức hoặc cách xa mũi ức lệch về bên phải hoặc bên trái. Cảm giác đau tùy thuộc vào người bệnh, có người cảm giác đau tức, có người cảm giác đau rát bỏng hay nóng, hay đau âm ỉ, tuy nhiên người bệnh không có cảm giác đau quặn. Thời gian đau tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh của người bệnh, trong giai đoạn đầu người bệnh thường có cơn đau kéo dài một đến hai tuần, đau thường tái đi tái lại và bệnh nhân thường dự báo được đợt đau tiếp theo (khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa...). Một điều cần chú ý: Bữa ăn có ảnh hưởng rõ rệt, như: làm tăng cơn đau hoặc khi ăn vào bệnh nhân lại cảm giác cơn đau đỡ đi, ví dụ như bệnh nhân bị loét hành tá tràng: cơn đau thường xảy ra lúc đói, ăn một chút thức ăn (bánh quy, hay một ít cơm) thì cảm giác hết đau. Riêng các bệnh lý như viêm dạ dày hay ung thư dạ dày, bệnh nhân thường đau bụng không có tính chất chu kỳ nữa mà đau liên miên suốt cả ngày.

Bệnh nhân thổi hơi vào túi để đưa vào máy xét nghiệm tìm vi khuẩn HP.

2/ Kém ăn (chán ăn): Kém ăn là một dấu hiệu mang tính chất chủ quan của người bệnh.  Có 2 loại kém ăn: Kém ăn giảm lực - người bệnh có cảm giác tiêu hóa chậm, sau khi ăn, bụng chướng căn, cảm giác nặng nề, ấm ách sau khi ăn. Kém ăn tăng lực: người bệnh sau khi ăn có cảm giác đau thượng vị, rát bỏng vùng thượng vị lan lên xương ức, nôn ói.

3/ Ợ: Bệnh nhân có thể ợ hơi hoặc ợ chua hay ợ ra chất đắng như mật. Tuy nhiên, ợ còn có nguyên nhân của các bệnh lý khác ngoài dạ dày, như bệnh lý về gan hay các tổn thương gây tắc ruột.

4/ Nôn và buồn nôn: Nôn là hiện tượng người bệnh tống các chất chứa trong dạ dày ra ngoài. Buồn nôn là cảm giác muốn nôn nhưng không nôn ra được. Buồn nôn và nôn có thể đi đôi với nhau, nhưng cũng có khi chỉ có một dấu hiệu xảy ra đơn độc. Các bệnh ở dạ dày góp phần quan trọng nhất trong nguyên nhân gây ra nôn: viêm dạ dày cấp, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, chảy máu dạ dày.

5/ Chảy máu tiêu hóa: Bình thường trong ống tiêu hóa không có máu, khi máu thoát ra khỏi thành mạch, chảy vào trong lòng ống tiêu hóa, lúc đó gọi là chảy máu tiêu hóa (máu đỏ tươi hoặc máu đen). Khi bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa, một trong những nguyên nhân phải nghĩ đến là viêm dạ dày cấp do thuốc, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hội chứng Malory Weiss, vỡ tĩnh mạch thực quản do bị bệnh gan.

* Các xét nghiệm để tìm vi khuẩn HP:

Nội soi dạ dày, gồm: nội soi qua ngã miệng và ngã mũi; xét nghiệm (máu) qua huyết thanh, xét nghiệm phân, xét nghiệm tìm H.P qua hơi thở. Các bệnh viện trong TP Cần Thơ thực hiện phương pháp xét nghiệm qua hơi thở C14 Urea, riêng BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long triển khai phương pháp mới nhất là C13 Urea. Đây là xét nghiệm không xâm lấn, có độ nhạy 97,9%, độ đặc hiệu 98,5%.

Điều kiện thực hiện là bệnh nhân cần ngưng dùng kháng sinh diệt H.P 4 tuần, ngưng các thuốc ức chế bơm Proton, Kháng H2, thuốc trung hòa axit dạ dày 2 tuần. Việc xét nghiệm tốt nhất thực hiện và buổi sáng, khi bệnh nhân chưa ăn sáng (đã nhịn đói 6 giờ). Nếu bệnh nhân thực hiện vào những giờ muộn hơn trong ngày, thì chỉ nên ăn nhẹ như dùng trà và bánh ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.

Hiện tại, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long có các xét nghiệm phục vụ điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như: Nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và xét nghiệm tìm HP qua hơi thở C13 Urea. Trong đó, chỉ có nội soi dạ dày được BHYT thanh toán.

MINH NGUYỆT (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết