31/01/2015 - 15:36

Cần “điểm tựa” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đến nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ vẫn chưa phát chứng thư bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nào trên địa bàn dù được ra đời từ tháng 8-2014. Theo lãnh đạo của Quỹ bảo lãnh tín dụng thành phố, trong quá trình hoạt động có quá nhiều điểm vướng; cần phải tháo gỡ để hỗ trợ DN hoạt động. Các DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đang cần "điểm tựa" để vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhiều điểm vướng

Quyết định 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định Quỹ bảo lãnh tín dụng là một tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa theo quy định. Mục tiêu nhằm gỡ khó khăn về vốn cho DN nhỏ và vừa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đã có Thông tư 147/2014/TT-BTC ngày 8-10-2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 58 nhưng theo phản ánh của các địa phương thì thực hiện Quyết định 58 còn nhiều điểm vướng, các điều kiện được bảo lãnh và các thủ tục liên quan phức tạp.

Tại TP Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định 2056/QĐ-UBND ngày 1-8-2014 về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng (QBLTD) cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố; Quyết định 3480/QĐ-UBND thành phố ngày 24-11-2014 về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của QBLTD. Mục tiêu mà thành phố đề ra là hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn các tổ chức tín dụng (TCTD) để mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển DN. Song, theo ông Trần Quốc Diện, Giám đốc QBLTD cho DN nhỏ và vừa thành phố, từ khi thành lập đến nay, quỹ đã tiếp nhận 11 hồ sơ xin bảo lãnh của DN nhưng chưa phát chứng thư bảo lãnh nào cho DN vì các DN không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện được bảo lãnh. "Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng để kêu gọi các ngân hàng góp vốn vào quỹ, nhưng các ngân hàng khi đọc xong các điều khoản quy định tại Quyết định 58 và Thông tư hướng dẫn 147 của Bộ Tài chính thì đều thoái lui. Nhiều ngân hàng cho rằng, các điều khoản ràng buộc quá phức tạp, ngân hàng không đủ nhân lực để cùng Quỹ bảo lãnh tín dụng đi thẩm tra hồ sơ, chịu trách nhiệm với các món vay… Nên đến nay, Quỹ không huy động được vốn từ ngân hàng"- ông Diện cho biết. Một điểm vướng khác khiến DN ngán ngại khi nộp hồ sơ là DN muốn được bảo lãnh tín dụng theo Quyết định 58 vừa phải có tài sản thế chấp tại ngân hàng, vừa có tài sản thế chấp tại QBLTD thì không DN nào kham nổi. Thủ tục bảo lãnh phức tạp, nên DN đủ điều kiện sẽ nộp hồ sơ vay vốn trực tiếp đến ngân hàng; điều này cũng đồng nghĩa với việc QBLTD thành phố đang "ế" khách hàng.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Cần Thơ rất lớn nhưng khó tiếp cận vốn ngân hàng. (Khách hàng đến giao dịch tại Phòng Giao dịch HDBank Ô Môn). Ảnh: MINH HUYỀN

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo QBLTD cho DN nhỏ và vừa để gỡ vướng cho đơn vị này. Phó Chủ tịch thành phố cho rằng: "Đến thời điểm này, DN không mặn mà tìm đến nhờ bảo lãnh tín dụng thì QBLTD cũng cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao. Bởi thực tế, rất nhiều DN đang cần vốn sản xuất, kinh doanh. Quỹ vẫn chưa thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào nên nếu tăng vốn điều lệ cho quỹ cũng chưa chắc có hiệu quả". Theo báo cáo của lãnh đạo QBLTD, hiện quỹ rất khó tiếp cận các nguồn vốn góp từ các TCTD, DN, các hiệp hội ngành nghề,… Mặt khác, chức năng, nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng còn hạn hẹp, dẫn đến nguồn thu không đảm bảo cho hoạt động phát triển bền vững. Khi thực hiện bảo lãnh tín dụng, DN vừa đóng phí cho Quỹ bảo lãnh tín dụng, vừa đóng lãi cho ngân hàng, nên DN đương nhiên phải cân nhắc khi nộp hồ sơ xin bảo lãnh. Một số DN chưa có niềm tin thực sự vào QBLTD có thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng cho DN. Từ những khó khăn này, lãnh đạo QBLTD cho rằng để QBLTD hoạt động có hiệu quả cần sự hợp lực gỡ khó từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận của ngân hàng.

Hợp lực cùng gỡ khó

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tính đến 31-12-2014, trên địa bàn thành phố có 14.531 DN đăng ký kinh doanh (trong đó có 2.831 chi nhánh, văn phòng đại diện), vốn đăng ký khoảng 42.551 tỉ đồng. Đa phần những DN đang hoạt động trên địa bàn đều là DN nhỏ và vừa, theo phản ánh của nhiều DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN gặp rất nhiều khó khăn về vốn vay, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Do đó, QBLTD là cầu nối quan trọng để DN tiếp cận vốn ngân hàng nhưng các thủ tục bảo lãnh quá phức tạp cũng làm khó DN.

Hiện nay, QBLTD thành phố thực hiện bảo lãnh tín dụng tối đa 15% trên tổng vốn điều lệ của quỹ, nên việc mở rộng đối tượng bảo lãnh, tiếp cận nhiều DN là khó khăn lớn. Bởi vốn điều lệ hiện có của quỹ chỉ 60 tỉ đồng. Ông Trần Quốc Diện, Giám đốc QBLTD thành phố cho rằng, hiện quỹ chỉ được phép bảo lãnh tín dụng mà không được phép mở rộng thực hiện các nghiệp vụ khác (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, cho vay có hạn mức…). Qua công tác khảo sát thực tế tại địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay của một số DN khi tham dự đấu thầu xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố do cùng một lúc tham gia đấu thầu nhiều gói thầu, xây dựng nhiều công trình, nên DN không đủ tài sản để thế chấp, chi phí bảo lãnh tại các ngân hàng thương mại cao (tối thiểu khoảng 3%/năm). Do đó, QBLTD xin phép được bổ sung chức năng bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực này, với mức phí khoảng 0,5%/năm. Đồng thời, QBLTD kiến nghị thành phố xem xét bổ sung vốn điều lệ để nâng vốn lên 100 tỉ đồng để trong năm 2015, thực hiện bảo lãnh tín dụng cho khoảng 20 khách hàng, vốn bảo lãnh khoảng 100 tỉ đồng. Để hoạt động hiệu quả, QBLTD sẽ đi khảo sát thực tế và phối với các sở, ngành thành phố, các địa phương nhằm quảng bá chương trình bảo lãnh đến DN, cam kết hỗ trợ tối đa cho DN.

Bà Hoàng Thị Huệ, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố, đề xuất: "Tất cả các khó khăn trong quá trình thực hiện Quyết định 58 của Chính phủ và Thông tư 147 của Bộ Tài chính, lãnh đạo QBLTD cần tập hợp để thành phố có cơ sở kiến nghị về Trung ương xin điều chỉnh. Có thể mở rộng đối tượng bảo lãnh ở ngành lúa gạo". Với kiến nghị của lãnh đạo QBLTD thành phố, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu Sở Tài chính tham mưu cho thành phố kiến nghị về Bộ Tài chính xem xét, gỡ vướng để hoạt động của QBLTD hiệu quả hơn. Quỹ bảo lãnh tín dụng cần phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan, các địa phương có nhiều DN để quảng bá hoạt động, đồng thời thực hiện đúng chức năng bảo lãnh tín dụng. Không vì cần DN mà bỏ qua các nguyên tắc đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động; vốn điều lệ của QBLTD hạn chế, nếu thực hiện bảo lãnh tín dụng chỉ cần một món vay bị rủi ro sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của quỹ. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, QBLTD cần làm báo cáo xin mở rộng hoạt động bảo lãnh trên một số lĩnh vực, thực hiện đúng theo Quyết định 58 và vận dụng sát với thực tế địa phương; đồng thời, phải có báo cáo định kỳ 6 tháng/lần gửi về UBND thành phố. Trên cơ sở hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, thành phố mới có thể kiến nghị HĐND thành phố bổ sung thêm vốn điều lệ cho quỹ tăng lên mức 100 tỉ đồng. Mặt khác, QBLTD phải liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn để kêu gọi ngân hàng góp vốn vào quỹ, nhằm tăng quy mô và hiệu quả hoạt động.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết